Hiện nay, có 2 cách để rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp là sử dụng séc hoặc giấy rút tiền. Để đảm bảo quy trình này diễn ra thuận lợi và đúng quy định, doanh nghiệp cần nắm vững hướng dẫn và các quy định liên quan. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết 2 cách rút tiền mặt này theo đúng quy định của cơ quan quản lý tài chính.

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

1. Cách rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng séc 

Trong quá trình thực hiện rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp, khách hàng cần lưu ý về thủ tục cũng như cách điền séc.

1.1. Thủ tục rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng séc

Séc là một công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi trong giao dịch thương mại, giúp quản lý chặt chẽ việc rút tiền mặt của doanh nghiệp một cách an toàn và hiệu quả hơn. Quá trình rút tiền mặt từ séc bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng hướng dẫn các thủ tục rút tiền mặt từ séc. 
  • Bước 2: Hoàn thiện các thông tin cơ bản vào phiếu hoặc các loại giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu, bao gồm Số tiền cần rút, TênSố tài khoản ngân hàng cùng với các thông tin khác liên quan (nếu có).
  • Bước 3: Doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ giấy tờ theo quy định của ngân hàng. Người thụ hưởng séc ra quầy chờ ngân hàng rút tiền mặt và hoàn thành giao dịch. Trường hợp người thụ hưởng là cá nhân, khách hàng điền đầy đủ họ tên người thụ hưởng (theo thông tin trên giấy tờ tùy thân của người thụ hưởng). Thời gian chờ có thể kéo dài từ 30 đến 45 phút, tùy thuộc vào quy định và quy trình của từng ngân hàng.

Lưu ý: Để thực hiện việc rút tiền mặt từ tài khoản bằng séc, doanh nghiệp cần mua séc ngay sau khi mở tài khoản doanh nghiệp. Séc rút tiền mặt cần phải có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản hoặc người được ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật, đóng dấu của tổ chức (là mẫu dấu đã đăng ký với ngân hàng), đồng thời phải có thông tin người thụ hưởng thì mới được ngân hàng chấp nhận.

Tư vấn viên Techcombank hướng dẫn khách hàng rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng séc

Thực hiện rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng séc tại quầy giao dịch ngân hàng.

1.2. Cách điền thông tin trên séc để rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp

Hiện nay, cách viết séc để rút tiền mặt từ ngân hàng ở Việt Nam đều có các quy định tương tự nhau, khách hàng chỉ cần thay đổi một số thông tin trên séc tùy theo yêu cầu của từng ngân hàng. 

1.2.1. Với mặt trước của séc

Mẫu mặt trước tấm séc quy định trong Thông tư 07/TT-NH1 ban hành ngày 27/12/1996 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm 2 phần: Phần cuống séc và phần thân séc.

Mặt trước của séc rút tiền tại Techcombank

Ảnh mẫu mặt trước của séc rút tiền tại Techcombank.

1 - Phần cuống séc: Đây là một phần nhỏ trên cuốn séc mà bạn cần giữ lại để thống kê và lưu giữ thông tin quan trọng.

  • Số séc: Để trống.
  • Số tiền: Viết số tiền cần rút. Có thể viết bằng số hoặc bằng chữ tuỳ quy định từng ngân hàng.
  • Trả cho: Điền họ tên người nhận tiền. Trong trường hợp rút tiền mặt thì người nhận tiền là bạn hoặc cá nhân được công ty uỷ quyền đi rút.
  • Số CMT/Ngày cấp/Nơi cấp: Nếu người thụ hưởng là cá nhân thì điền số CMND/CCCD của người nhận. Nếu là công ty thì điền mã số đăng ký kinh doanh của công ty.
  • Địa chỉ: Địa chỉ cá nhân/công ty nhận tiền (Một số ngân hàng sẽ in sẵn thông tin).
  • Tại: Bỏ trống.
  • Ngày/tháng/năm: Điền đúng ngày đến ngân hàng làm giao dịch.
  • Chủ tài khoản: Cần có chữ ký người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản, dấu chức danh và dấu của công ty.

2 - Phần thân séc: Đây là phần chính của séc sẽ được xé ra và đưa cho ngân hàng. Ngân hàng sẽ kiểm tra các thông tin quan trọng trên phần này để trích tiền từ tài khoản của bạn.

  • Số séc: Để trống.
  • Yêu cầu trả cho: Điền họ tên người nhận tiền. Có thể là bạn hoặc cá nhân được công ty uỷ quyền đi rút tiền.
  • Số CMT/ Ngày cấp/ Nơi cấp: Nếu người thụ hưởng là cá nhân thì điền số CMND/CCCD của người nhận, nếu là công ty thì sẽ bỏ trống.
  • Địa chỉ: Địa chỉ cá nhân/công ty nhận tiền (Một số ngân hàng sẽ in sẵn thông tin).
  • Số hiệu TK: Đã được in sẵn hoặc bỏ trống.
  • Tại: Bỏ trống.
  • Số tiền (Bằng chữ): Điền đúng số tiền cần rút bằng chữ và quy cách viết cần tuân thủ theo ngân hàng thực hiện giao dịch.
  • Người phát hành: Ghi tên của chủ sở hữu séc. Nếu doanh nghiệp sở hữu séc thì ghi tên người đại diện công ty theo pháp luật.
  • Địa chỉ: Ghi địa chỉ công ty (Có thể đã in sẵn).
  • Số hiệu TK: Đã in sẵn.
  • Ngày/tháng/năm: Điền ngày đến ngân hàng thực hiện giao dịch.
  • Kế toán trưởng: Ký và ghi rõ họ tên.
  • Người phát hành: Chữ ký người đại diện doanh nghiệp, sau đó đóng dấu công ty.

1.2.2. Với mặt sau của séc

Mặt sau tấm séc quy định trong Thông tư 07/TT-NH1 ban hành ngày 27/12/1996 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm 2 phần: Phần quy định cho việc chuyển nhượng và phần quy định dùng cho lĩnh tiền mặt.

Mặt sau séc rút tiền của Techcombank

Ảnh mẫu mặt sau séc rút tiền của Techcombank.

1 - Phần quy định cho việc chuyển nhượng

Nếu không chuyển nhượng, khách hàng ghi rõ chữ “Không chuyển nhượng” hoặc gạch chéo. Nếu thực hiện chuyển nhượng sẽ điền các thông tin vào phần “Chuyển nhượng cho” như sau:

  • Họ tên của người hoặc tên tổ chức nhận chuyển nhượng tờ séc.
  • Số CMND/CCCD/Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp (trong trường hợp chuyển nhượng cho người thụ hưởng nhận tiền mặt) theo quy định đối với người nhận chuyển nhượng cá nhân.
  • Số tài khoản thanh toán, tên ngân hàng phục vụ người thụ hưởng (trong trường hợp chuyển nhượng cho người thụ hưởng bằng chuyển khoản).
  • Dòng “Ngày...tháng...năm…”: cần ghi ngày thực hiện việc chuyển nhượng.
  • Phần dành cho ký tên và đóng dấu: người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng ký tên, ghi rõ họ tên. Trong trường hợp người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp.

Lưu ý: Trong giao dịch chuyển nhượng lần đầu tiên, người chuyển nhượng phải là người thụ hưởng được ghi trên mặt trước của tờ séc. Còn từ các giao dịch tiếp theo, người chuyển nhượng sẽ là người được chuyển nhượng trong giao dịch trước đó và tiếp tục như vậy cho đến giao dịch cuối cùng.

2 - Phần quy định dùng cho lĩnh tiền mặt

  • Họ, tên người lĩnh tiền: Ghi đầy đủ họ tên người nhận tiền.
  • Số CMT (hộ chiếu), ngày cấp, nơi cấp: Ghi số CMND/CCCD/Hộ chiếu của người nhận tiền cùng ngày và nơi cấp trên các giấy tờ đó.
  • Ngày…tháng…năm…: Ghi ngày thực hiện giao dịch lĩnh tiền mặt.
  • Phần ký tên và đóng dấu: Người nhận tiền, thủ quỹ/ kế toán/ kế toán trưởng của ngân hàng ký và ghi rõ họ tên.

1.3. Lưu ý khi sử dụng séc để rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp 

Để thủ tục rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng cách sử dụng séc được tiến hành thuận lợi, khách hàng cần lưu ý những điều sau:

  • Điền thông tin đúng quy định: Đảm bảo điền thông tin trên séc đúng quy định và không được sửa chữa hay tẩy xóa bất kỳ thông tin nào trên séc.
  • Đảm bảo thông tin người đại diện: Trên séc cần có đóng dấu mộc của công ty và chữ ký của người đại diện hợp pháp của công ty theo quy định pháp luật hiện hành. Thông tin của người đi rút tiền cũng phải được ghi đầy đủ và chính xác trên séc.
  • Cần xác thực danh tính người giao dịch: Người đi rút tiền cần mang theo CMND/CCCD/hộ chiếu khi đến ngân hàng để làm thủ tục rút tiền mặt.
  • Chịu phí rút tiền: Người rút tiền sẽ phải chịu một khoản phí rút tiền, tùy thuộc vào từng ngân hàng và số tiền trên tờ séc. Cần liên hệ với ngân hàng để biết rõ mức phí áp dụng trong trường hợp cụ thể.

Với hình thức rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng việc sử dụng séc sẽ có những ưu nhược điểm như sau:

  • Ưu điểm: Quản lý chặt chẽ việc rút tiền mặt, đảm bảo sự an toàn và minh bạch trong các giao dịch; giảm rủi ro mất mát tiền mặt; tất cả các ngân hàng đều sử dụng séc để rút tiền mặt.
  • Nhược điểm: Phải tuân thủ nhiều quy định và thủ tục; cần thêm phí rút tiền và thời gian chờ đợi để nhận tiền từ ngân hàng.

2. Cách rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng giấy rút tiền 

Mỗi ngân hàng sẽ có hình thức và yêu cầu thủ tục riêng khi rút tiền bằng giấy rút tiền. Do đó, khách hàng cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để nhận được sự tư vấn rõ ràng nhất về quy trình và yêu cầu cụ thể.

2.1. Thủ tục rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng giấy rút tiền

Để rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp bằng giấy rút tiền, khách hàng cần tuân theo các bước sau:

  • Bước 1: Thông báo số tiền muốn rút (nếu số tiền lớn) để ngân hàng chuẩn bị trước. Điều này giúp ngân hàng sắp xếp nguồn tiền phù hợp để phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp.
  • Bước 2: Người được doanh nghiệp uỷ quyền rút tiền cần đến chi nhánh ngân hàng gần nhất để tiến hành thủ tục rút tiền.
  • Bước 3: Thông báo nhu cầu muốn rút tiền mặt cho giao dịch viên. Giao dịch viên sẽ hướng dẫn làm thủ tục rút tiền, bao gồm việc điền giấy rút tiền và các thủ tục liên quan.
  • Bước 4: Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu trên giấy rút tiền, bao gồm số tiền muốn rút và thông tin cá nhân của người được uỷ quyền rút tiền. Sau đó, bạn cần xuất trình CMND/CCCD và giấy tờ xác minh của doanh nghiệp để xác nhận thông tin.
  • Bước 5: Giao dịch viên sẽ tiến hành thực hiện việc rút tiền theo yêu cầu của khách hàng. Họ sẽ kiểm tra thông tin và xác nhận tính hợp lệ của yêu cầu rút tiền.
  • Bước 6: Sau khi quy trình rút tiền hoàn tất, khách hàng sẽ nhận được số tiền mặt tương ứng và sẽ ký tên lên biên lai như một bằng chứng cho việc rút tiền thành công.

2.2. Cách điền thông tin trên giấy rút tiền

Trong bài viết này, cách điền thông tin trên giấy rút tiền sẽ được lấy ví dụ dựa trên giấy rút tiền của ngân hàng Vietcombank.

Các thông tin trên giấy rút tiền của Vietcombank

Mẫu giấy rút tiền của Vietcombank.

1 - Đề nghị ghi nợ tài khoản

  • Số TK: Ghi số tài khoản mà bạn cần rút tiền từ đó
  • Tên TK: Ghi tên chủ sở hữu số tài khoản đó
  • Địa chỉ: Địa chỉ của người sở hữu tài khoản
  • Ngân hàng: Điền tên ngân hàng phát hành tài khoản đó

2 - Số tiền

  • Bằng số: Ghi số tiền cần rút bằng chữ số, ở ô bên cạnh ghi đơn vị tiền tệ (VND, USD...)
  • Bằng chữ: Ghi số tiền cần rút đầy đủ bằng chữ
  • Trong đó: Nếu bạn muốn rút tiền với nhiều đơn vị tiền tệ khác nhau, hãy ghi số tiền cần rút ở mỗi loại tiền tại đây

3 - Phí NH: Để trống

4 - Người nhận tiền

  • Họ và tên: Ghi đầy đủ họ tên người đi rút tiền
  • Số CMT/Hộ chiếu: Ghi số CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đi rút tiền
  • Ngày cấp/Nơi cấp: Ghi ngày cấp và nơi cấp của CMND/CCCD/Hộ chiếu
  • Địa chỉ: Địa chỉ của người đi rút tiền
  • Nội dung: Ghi nội dung rút tiền như mục đích, ghi chú...

5 - Phần ký và đóng dấu

  • Kế toán trưởng: Ký và ghi rõ họ tên
  • Chủ tài khoản: Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu 
  • Người nhận tiền: Ký và ghi rõ họ tên

>>> Xem thêm:

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn nắm được hướng dẫn chi tiết cho 2 phương thức rút tiền mặt từ tài khoản doanh nghiệp. Nếu bạn chưa hiểu rõ các bước cụ thể, hãy liên hệ với nhân viên ngân hàng để được hỗ trợ giúp việc rút tiền được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam:

 

Thẻ ghi nợ Techcombank Visa doanh nghiệp

Vươn tầm kinh doanh - Nâng tầm doanh nghiệp