Ngoại hối là một thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự phân biệt được ngoại hối với ngoại tệ. Để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn, bài viết này sẽ giải thích ngoại hối là gì, cách phân biệt giữa ngoại hối và ngoại tệ, và các thông tin hữu ích về thị trường ngoại hối.

Bạn đọc lưu ý: Nội dung bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

1. Ngoại hối là gì?

1.1. Định nghĩa ngoại hối

Ngoại hối (Foreign Exchange, thường được viết tắt là Forex hoặc FX), là thuật ngữ dùng để chỉ toàn bộ các hình thức tiền tệ nước ngoài và các công cụ tài chính liên quan đến việc trao đổi, mua bán hoặc thanh toán quốc tế. Ngoại hối không chỉ đơn thuần là tiền tệ mà còn bao gồm các phương tiện thanh toán như séc, hối phiếu, thẻ tín dụng quốc tế, hoặc các hợp đồng tài chính được sử dụng trong thương mại toàn cầu.

Cụ thể hơn, theo khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, ngoại hối bao gồm:

  • Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (hay còn gọi là ngoại tệ);
  • Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm: Séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
  • Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
  • Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ quốc gia;
  • Đồng tiền của quốc gia trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ đất nước hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, ở một số quốc gia trên thế giới công nhận tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum,...) là một hình thái của ngoại hối.

Ngoại hối là gì

Ngoại hối là gì?

1.2. Vai trò của ngoại hối trong nền kinh tế

Ngoại hối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế bền vững:

  • Thúc đẩy thương mại quốc tế: Ngoại hối cho phép các quốc gia mua bán hàng hóa, dịch vụ với nhau mà không bị cản trở bởi rào cản tiền tệ.
  • Dự trữ quốc gia: Các quốc gia tích trữ ngoại hối (thường là USD, EUR) để ổn định tỷ giá, thanh toán nợ nước ngoài, hoặc ứng phó với khủng hoảng kinh tế.
  • Công cụ điều tiết kinh tế: Ngân hàng trung ương sử dụng ngoại hối để can thiệp vào thị trường, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng nội tệ.

Ngoài ra, liên quan chặt chẽ đến thương mại quốc tế, ngoại hối còn đảm bảo các hoạt động chuyển và nhận tiền quốc tế diễn ra suôn sẻ, từ thanh toán hợp đồng, gửi tiền cho người thân hay nhận lương từ nước ngoài. Người dùng cần lưu ý tỷ giá, phí giao dịch và các quy định pháp lý. Tại Việt Nam, các ngân hàng như Techcombank cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế nhanh chóng, an toàn với mức phí cạnh tranh, nhận và chuyển tiền quốc tế đến hơn 192 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tính năng chuyển tiền quốc tế online trên Techcombank Mobile với nhiều ưu việt.Tính năng chuyển tiền quốc tế online trên Techcombank Mobile với nhiều ưu việt.

2. Phân biệt ngoại hối và ngoại tệ

Tiêu chí

Ngoại hối (Foreign Exchange)

Ngoại tệ (Foreign Currency)

Định nghĩa Là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hình thức tiền tệ nước ngoài và công cụ tài chính liên quan đến trao đổi, mua bán hoặc thanh toán quốc tế.   Là tiền tệ nước ngoài, được sử dụng hoặc công nhận ngoài lãnh thổ quốc gia phát hành
Phạm vi
Bao gồm ngoại tệ, các công cụ tài chính và hoạt động giao dịch tiền tệ Chỉ giới hạn ở tiền tệ cụ thể (như USD, EUR, JPY)
Tính chất Mang tính động, liên quan đến quá trình giao dịch và biến động tỷ giá trên thị trường Mang tính tĩnh, chỉ đơn thuần là một loại tiền cụ thể
Ứng dụng Dùng trong thương mại quốc tế, đầu tư tài chính, dự trữ quốc gia, và quản lý kinh tế vĩ mô Dùng để thanh toán, tích trữ hoặc trao đổi trực tiếp
Mức độ phức tạp Phức tạp hơn, liên quan đến thị trường tài chính toàn cầu và các công cụ phái sinh Đơn giản, chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống ngoại hối
Thời gian giao dịch Hoạt động liên tục 24 giờ Không có thời gian giao dịch cố định
Loại hình thị trường Thị trường phi tập trung, có thể giao dịch trực tiếp mà không cần đến sàn giao dịch Thị trường tập trung hoặc không chính thức, thường diễn ra qua ngân hàng, quầy đổi tiền,...
Mức độ rủi ro Rủi ro cao do biến động tỷ giá liên tục, phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế toàn cầu Rủi ro thấp hơn, ít chịu ảnh hưởng từ đầu cơ tài chính

3. Thị trường ngoại hối là gì?

3.1. Định nghĩa thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối (hay còn gọi là Foreign Exchange Market) là thị trường cho phép diễn ra các hoạt động ngoại hối, bao gồm việc mua bán ngoại tệ, các phương tiện thanh toán ngoại tệ, các loại  trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu,…

3.2. Đặc điểm của thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối hoạt động 24/5 (24 giờ/ngày, 5 ngày/tuần), bắt đầu từ sáng thứ Hai tại châu Á và kết thúc vào chiều thứ Sáu tại Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trên toàn cầu tham gia vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đặc điểm nổi bật của thị trường này bao gồm:

  • Phi tập trung (OTC): Không có một sàn giao dịch trung tâm như chứng khoán, mà hoạt động thông qua mạng lưới ngân hàng, tổ chức tài chính và sàn môi giới.
  • Quy mô khổng lồ: Với hơn 6 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi ngày, đây là thị trường tài chính lớn nhất thế giới.
  • Tính minh bạch và biến động: Giá cả được cập nhật liên tục, phản ánh cung cầu thực tế, nhưng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi tin tức kinh tế, chính trị.
  • Đồng tiền sử dụng nhiều nhất frong giao dịch của thị trường ngoại hối là đồng Đô la Mỹ (USD), tiếp đến là các ngoại tệ mạnh khác như Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP),...

3.3. Cơ chế hoạt động của thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối hoạt động dựa trên nguyên tắc cung và cầu. Giá trị của một đồng tiền so với đồng tiền khác (tỷ giá) được xác định bởi:

  • Chính sách tiền tệ: Ngân hàng trung ương (như Fed, ECB) điều chỉnh lãi suất hoặc in thêm tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tiền tệ.
  • Tin tức kinh tế: Các báo cáo như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, hoặc lạm phát có thể làm tỷ giá biến động mạnh.
  • Tâm lý thị trường: Sự kỳ vọng của nhà đầu tư cũng đóng vai trò lớn trong việc đẩy giá lên hoặc xuống.

Thị trường ngoại hối là gì?

Thị trường ngoại hối là gì?

3.4. Các thành phần tham gia thị trường ngoại hối

Thị trường ngoại hối không có một trung tâm giao dịch cố định mà hoạt động thông qua các mạng lưới ngân hàng, tổ chức tài chính và các nhà môi giới trên toàn thế giới. Các thành phần chính của thị trường này bao gồm:

  • Chính phủ và Ngân hàng Trung ương: Thực hiện các chính sách tiền tệ, can thiệp để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Họ có thể tham gia vào thị trường để điều chỉnh cung cầu tiền tệ, điều này có thể gây ra những biến động lớn trong thị trường, do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các thông báo và hành động từ họ.
  • Ngân hàng thương mại và định chế tài chính: Cung cấp dịch vụ giao dịch ngoại hối cho các Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Họ đóng vai trò như một cầu nối giữa nhà đầu tư cá nhân và thị trường ngoại hối.
  • Công ty đa quốc gia: Tham gia vào thị trường ngoại hối để bảo vệ lợi ích thương mại và đầu tư quốc tế. Họ sử dụng ngoại hối để bảo vệ giá trị của các khoản thanh toán và thu chi của mình khỏi biến động tỷ giá.  
  • Nhà đầu tư cá nhân: Tham gia thị trường để kiếm lợi nhuận từ biến động tỷ giá. Họ có thể sử dụng các nền tảng giao dịch trực tuyến để thực hiện các giao dịch nhanh chóng. Tuy nhiên cần trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành công trong thị trường này.

3.5. Những hình thức đầu tư trong thị trường ngoại hối

  • Đầu tư qua thị trường Forex giao ngay (Forex spot): là hình thức giao dịch mua/bán trực tiếp rồi nhận tiền ngay tại thời điểm bán.
  • Đầu tư qua thị trường Forex chuyển tiếp (Forex forward) - giao dịch hối đoái kỳ hạn: mua/bán ngoại tệ theo tỷ lệ nhất định, nhưng không thanh toán tại thời điểm giao dịch, mà sẽ thực hiện vào một thời điểm trong tương lai.
  • Đầu tư qua thị trường Forex tương lai (Forex futures): là hình thức giao dịch bằng các hợp đồng tương lai, trong đó mức tỷ giá và thời điểm thanh toán được hai bên thỏa thuận vào một mốc thời gian cụ thể.

3.6. Hàng hóa giao dịch trên thị trường ngoại hối

Hàng hóa chính trên thị trường ngoại hối là các cặp tiền tệ. Được chia thành 3 nhóm như sau:

  • Cặp chính: Là cặp ghép giữa đồng USD (Đồng đô la Mỹ)  với một loại tiền tệ bất kỳ của quốc gia khác (VD: USD - EUR, USD – JPY,...),  chiếm khoảng 80% khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối, có tính thanh khoản cao và biến động thấp.
  • Cặp chéo (Cặp tiền tệ phụ): Là cặp không bao gồm đồng USD, ghép giữa các loại tiền tệ chính khác (VD: EUR – JPY, NZD – CAD,...), có tính thanh khoản thấp hơn, biến động nhiều so với cặp chính.
  • Cặp khác: Là cặp ghép giữa một loại tiền tệ chính với một loại tiền tệ từ nền kinh tế khác mới nổi (VD: USD - HKD, JPY - SGD,...).

4. Giao dịch ngoại hối là gì?

Giao dịch ngoại hối là hoạt động mua một đồng tiền và bán một đồng tiền khác để kiếm lợi nhuận từ sự thay đổi tỷ giá. Các hình thức giao dịch phổ biến bao gồm:

  • Giao dịch giao ngay (Spot Trading): Mua bán tiền tệ với tỷ giá hiện tại, thanh toán trong 2 ngày làm việc. Đây là hình thức cơ bản nhất.
  • Giao dịch ký quỹ (Margin Trading): Sử dụng đòn bẩy (leverage) từ sàn môi giới để giao dịch khối lượng lớn hơn vốn thực có.  
  • Giao dịch phái sinh: Bao gồm hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn, và hợp đồng chênh lệch, thường được dùng để đầu cơ hoặc phòng ngừa rủi ro.

Giao dịch ngoại hối là gì và các hình thức giao dịch phổ biến.

Giao dịch ngoại hối là gì và các hình thức giao dịch phổ biến.

5. Các lưu ý cần biết khi giao dịch ngoại hối

  • Rủi ro và cơ hội: Giao dịch ngoại hối có nhiều rủi ro vì tỷ giá biến động mạnh. Vì vậy, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch rõ ràng và quản lý rủi ro hiệu quả. Hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá như chính sách tiền tệ, tình hình kinh tế và chính trị quốc tế cũng rất cần thiết. 
  • Tìm hiểu về các công cụ giao dịch: Trên thị trường ngoại hối, có nhiều công cụ tài chính và các sản phẩm phái sinh khác. Nhà đầu tư cần hiểu rõ cách thức hoạt động của từng công cụ để tối ưu hóa lợi nhuận.
  • Lựa chọn nhà môi giới uy tín: Đây là bước quan trọng đầu tiên để tham gia thị trường ngoại hối an toàn. Nhà đầu tư nên kiểm tra giấy phép hoạt động, dịch vụ hỗ trợ, và chi phí giao dịch của nhà môi giới trước khi mở tài khoản.
  • Các công cụ phân tích và chiến lược: Hỗ trợ nhà đầu tư nhận diện xu hướng thị trường và đưa ra các quyết định giao dịch đúng đắn. 

Như vậy, ngoại hối là một lĩnh vực phức tạp nhưng đầy tiềm năng cho những ai đam mê tài chính quốc tế. Việc phân biệt rõ ràng giữa ngoại hối và ngoại tệ, cùng với hiểu biết sâu sắc về thị trường ngoại hối là gì, sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện và đưa ra những quyết định sáng suốt. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm những kiến thức cần thiết để bắt đầu hoặc nâng cao hoạt động giao dịch ngoại hối của mình. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kiến thức sâu rộng là chìa khóa để thành công trong thị trường đầy biến động này.

Khách hàng lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo và có thể thay đổi theo từng thời điểm. Để cập nhật chính sách mới nhất của Techcombank, quý khách vui lòng truy cập website https://techcombank.com hoặc liên hệ các phương thức dưới đây:

 

Dịch vụ nhận và chuyển tiền quốc tế

Nhận và chuyển tiền quốc tế đến hơn 192 quốc gia, vùng lãnh thổ