Với sự quan tâm và định hướng từ phía Chính phủ, ngành giáo dục đang có những bước tiến đáng chú ý khi đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Sở hữu nhiều cơ hội để phát triển, song, cũng còn đó một số khó khăn cần khắc phục cho quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành Giáo dục hiện nay.

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

1. Thực trạng thanh toán không tiền mặt trong ngành giáo dục 

Năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025". Quyết định này đã tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao.

Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai rộng rãi. 100% cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đô thị đã chấp nhận thanh toán học phí thông qua hệ thống ngân hàng. Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cũng đã trang bị sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời thực hiện thông báo và khuyến khích học sinh và gia đình nộp học phí bằng phương thức này.

Nộp học phí qua thanh toán điện tử.

Nộp học phí qua thanh toán điện tử hiện đang là phương thức được sử dụng ở hầu hết các cơ sở giáo dục trên cả nước (Ảnh sưu tầm).

Quá trình áp dụng hình thức thanh toán không tiền mặt tại các cơ sở giáo dục đem lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Phụ huynh học sinh có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức, tránh được tình trạng xếp hàng và chậm trễ trong quá trình đóng học phí.

Việc bổ sung hình thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt giúp nhà trường quản lý nguồn thu tài chính một cách chặt chẽ và minh bạch hơn. Thông tin về các khoản thu, chi được lưu trữ trên hệ thống điện tử, giúp ban lãnh đạo nhà trường và các cơ quan liên quan dễ dàng nắm bắt chính xác. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính của nhà trường một cách lâu dài và ổn định.

Được biết đến là nơi có cơ sở giáo dục nhiều nhất cả nước, trong 10 năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai và áp dụng rộng rãi phương thức thanh toán điện tử trên toàn địa bàn thành phố. Các trường thu học phí hàng tháng bằng cách tích hợp với các ứng dụng, phần mềm quản lý học sinh nhằm mang lại rất nhiều thuận tiện cho phụ huynh.

Tại nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, từ lâu đã áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. Thông qua một số hoạt động như làm thẻ ngân hàng miễn phí cho sinh viên đã khuyến khích sinh viên thanh toán tiền học phí qua tài khoản ngân hàng. Các bạn sinh viên cùng gia đình được hướng dẫn cách chuyển khoản học phí, tạo nên thói quen sử dụng phương thức thanh toán điện tử qua ngân hàng. Điều này cũng đem đến sự thuận tiện, minh bạch và rõ ràng hơn so với sử dụng phiếu thu cho nhà trường, sinh viên và phụ huynh.

Không chỉ riêng các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, cấp từ mầm non tại các địa phương như Quảng Ngãi đã bắt đầu triển khai việc thu học phí không dùng tiền mặt kể từ năm 2023. Việc thu, nộp học phí và thực hiện các khoản thu của nhà trường tại Quảng Ngãi theo phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh.

Từ thực trạng trên có thể thấy rõ việc triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đều được hưởng ứng và áp dụng với nhiều cấp và địa phương. Điều này tạo nên hệ sinh thái số tích cực và hiện đại hơn trong ngành giáo dục của cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong tương lai.

2. Một số vấn đề còn cần giải quyết trong việc áp dụng thanh toán không tiền mặt trong ngành giáo dục

Mặc dù việc thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục được đánh giá là tốt hơn so với các dịch vụ công khác như y tế, nhưng cũng không tránh khỏi một số khó khăn trong quá trình thực thi. Cụ thể, phụ huynh vẫn còn gặp khó khăn trong việc thao tác thực hiện, do một số trường sử dụng các hệ thống/phần mềm của bên thứ 3. Điều này đã gây ra nhiều vướng mắc và khó khăn trong quá trình thanh toán học phí vì không có hướng dẫn rõ ràng. Ngoài ra, phụ huynh cũng lo ngại về vấn đề bảo mật khi phải liên kết tài khoản ngân hàng với ứng dụng mà trường đang sử dụng.

Đặc biệt, phụ huynh tại một số khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa như hải đảo và các tỉnh miền núi vẫn gặp một số trở ngại với các phương thức thanh toán không tiền mặt vì ít được tiếp xúc với các nền tảng công nghệ. Thói quen sử dụng tiền mặt vẫn được ưa chuộng đối với nhiều gia đình, do đó, việc triển khai toàn bộ hệ thống chi trả học phí không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều khó khăn đối với ngành giáo dục.

Việc thanh toán học phí và khoản chi khác còn gặp khó khăn tại một số tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Việc thanh toán học phí và khoản chi khác còn gặp khó khăn tại một số tỉnh vùng sâu, vùng xa do cản trở công nghệ (Ảnh sưu tầm).

Trước tình hình thực tế như trên, cơ quan ban ngành đã ghi nhận và tiếp tục có phương án hỗ trợ tối đa cho phụ huynh, học sinh và sinh viên thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu khác. Chẳng hạn, các đơn vị giáo dục đã bổ sung đa dạng nhiều lựa chọn hình thức thanh toán như thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản, quét mã QR... Đồng thời, nhà trường quán triệt không tạo lợi thế cho bất kỳ ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, người học khi thanh toán các khoản thu trong nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường và các đơn vị tài chính tích cực hướng dẫn, phát động tuyên truyền về việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng đối với các khu vực ở xa. Nhà trường tiếp tục phối hợp với ngân hàng đẩy mạnh truyền thông để nâng dần tỷ lệ thanh toán không tiền mặt ở mỗi đơn vị giáo dục trên cả nước.

Về phía Ngân hàng, các đơn vị cần tích cực hỗ trợ các đơn vị giáo dục về hệ thống/phần mềm quản lý để đáp ứng 100% việc chuyển đổi sang giao dịch không tiền mặt, giảm thiểu sai sót khi thống kê cũng như đối soát từng giao dịch.

Nhìn chung, việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt trong ngành giáo dục nhận được phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh và nhà trường, đồng thời đã có những bước tiến khá thành công. Tuy còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện, nhưng với sự nỗ lực của các bên, chắc chắn trong tương lai mục tiêu của Chính phủ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng với các dịch vụ công có thể hiện thực hóa.

>>> Tìm hiểu thêm: