Thanh toán không chạm đang ngày càng trở nên phổ biến, từ việc quét mã QR đến sử dụng NFC, mỗi phương thức đều đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng, tiện lợi của người dùng. Với những tiềm năng và lợi ích mà thanh toán không chạm mang lại, không khó để thấy rằng đây sẽ là xu hướng thanh toán chính trong tương lai. 

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

1. Thanh toán không chạm là gì?

Thanh toán không chạm (Contactless payment) là hình thức thanh toán dựa trên việc sử dụng công nghệ không dây tầm ngắn để thực hiện các giao dịch. Để sử dụng hình thức này, thẻ thanh toán phải gắn thẻ chip có ăng-ten giao tiếp tầm ngắn (NFC: Near-field communications). Khi thực hiện thanh toán, khách hàng chỉ cần chạm nhẹ thẻ/thiết bị thanh toán trước máy POS để thực hiện giao dịch. 

Hiện nay, có 3 phương thức thanh toán không chạm phổ biến bao gồm:

Thanh toán qua quét mã QR: Đây là phương thức thanh toán không chạm phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay bởi sự an toàn và nhanh chóng, gồm 2 loại hình dịch vụ: Ngân hàng và ví điện tử. Với phương thức này, khách hàng sẽ sử dụng điện thoại di động có kết nối với internet để tiến hành quét mã QR thanh toán. 

Thanh toán qua mã QR.

Phương thức thanh toán qua mã QR hiện đang rất phổ biến tại Việt Nam (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

Thanh toán không chạm NFC: Công nghệ thanh toán này hoạt động dựa trên cảm ứng từ trường nhằm kết nối các thiết bị hỗ trợ NFC được đặt gần nhau (dưới 4 cm) hoặc tiếp xúc với nhau. Cụ thể, điện thoại của bạn sau khi đăng nhập, kích hoạt tài khoản sẽ trở thành một chiếc "ví tiền điện tử". Lúc này, khi cần thanh toán, mua vé, đi xe buýt có thanh toán thẻ... bạn chỉ cần đưa gần điện thoại vào thiết bị thanh toán và giao dịch sẽ hình thành. 

Hiện nay, phương thức thanh toán này đang rất phổ biến và có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam bởi sự an toàn, bảo mật và vô cùng tiện lợi.

Phương thức thanh toán không chạm NFC.

Phương thức thanh toán không chạm NFC thuận tiện và an toàn (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

Thanh toán không chạm bằng sim điện thoại: Đây là phương thức thanh toán mới và chưa được triển khai nhiều tại Việt Nam. Phương thức thanh toán bằng sim điện thoại cho phép người dùng thanh toán và nhận tiền thông qua số điện thoại chính chủ, mọi thông tin liên quan đến giao dịch sẽ được gửi qua tin nhắn SMS giúp người dùng dễ dàng nắm bắt thông tin giao dịch.

Thanh toán qua sim điện thoại (Mobile money).

Thanh toán qua sim điện thoại (Mobile money) tại Việt Nam hiện đang được 3 nhà mạng lớn gồm Viettel, Mobifone, Vinaphone đăng ký và được Nhà nước cho phép triển khai (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

2. Ưu điểm của thanh toán không chạm 

Thanh toán không chạm mang lại nhiều lợi ích cho cả người thanh toán và chủ cơ sở kinh doanh với nhiều ưu điểm vượt trội.

Đối với người thanh toán, hình thức này sẽ đem đến trải nghiệm thanh toán:

  • Tiện lợi và tốc độ: Quá trình thanh toán sẽ trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Khách hàng chỉ cần chạm, quét hoặc di chuyển thiết bị gần máy POS để hoàn tất giao dịch, từ đó giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng và người bán hàng.
  • An toàn hơn: Các giao dịch không chạm thường đi kèm với các lớp bảo mật cao. Tất cả các thông tin thanh toán đều được mã hóa, giúp giảm thiểu nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng.
  • Khả năng tích hợp và linh hoạt: Công nghệ thanh toán không chạm có thể tích hợp vào nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại di động, thẻ tín dụng, vòng đeo thông minh... tạo ra sự linh hoạt trong việc lựa chọn phương thức thanh toán.

Đối với chủ cơ sở kinh doanh, hình thức thanh toán không chạm giúp gia tăng trải nghiệm thanh toán cho khách hàng, giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro tiền mặt và tăng doanh số bán hàng:

  • Tăng trải nghiệm khách hàng: Việc cung cấp các phương thức không chạm giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tạo ấn tượng tích cực về tính chuyên nghiệp của cơ sở kinh doanh.
  • Tăng cường doanh số bán hàng: Công nghệ thanh toán không chạm có thể thúc đẩy mua sắm bằng cách làm giảm thời gian chờ đợi thanh toán và tạo ra trải nghiệm mua sắm thuận tiện hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng doanh số bán hàng và số lượng giao dịch.
  • Giảm rủi ro quản lý tiền mặt: Việc giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt cũng giảm nguy cơ mất mát, nhận tiền giả/tiền rách trong quá trình giao dịch.
Thanh toán không chạm mang đến nhiều lợi ích to lớn.

Thanh toán không chạm mang đến nhiều lợi ích to lớn cho cả khách hàng và các cơ sở kinh doanh (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

3. Thực trạng thanh toán không chạm tại Việt Nam 

Theo thống kê của nền tảng Payoo, giao dịch thanh toán không chạm quý III năm 2023 đã tăng 8% về số lượng, 18% giá trị so với quý II năm 2023 và 35% về cả số lượng và giá trị so với quý I năm 2023. Thanh toán không chạm đang dần trở nên phổ biến hơn và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. 

Trong đó, phương thức thanh toán qua mã QR được ưa chuộng hơn bao giờ hết với tỷ trọng thanh toán ngày càng tăng cao. Tỷ trọng giá trị thanh toán QR code so với giao dịch tại quầy vào khoảng 20% và với giao dịch trực tuyến là gần 40%. Theo Napas, chỉ trong quý III năm 2023, thanh toán QR tại VietQR đã tăng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng.

Xu hướng thanh toán không chạm tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai với sự xuất hiện của những công nghệ thanh toán như Google Pay, Samsung Pay, Apple Pay... 

Việc thanh toán không chạm cũng được các ngân hàng và đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán ưu tiên hàng đầu. Mastercard là tổ chức tiên phong trong việc truyền thông và hướng dẫn thanh toán không chạm thông qua các chương trình khuyến mãi. Nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính khác cũng chi một khoản ngân sách lớn cho các chương trình ưu đãi thanh toán không chạm.

Thanh toán không chạm đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Thanh toán không chạm đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

Như vậy, việc thanh toán không chạm có nhiều ưu điểm vượt trội đối với người dùng, giúp rút ngắn thời gian thanh toán, nâng cao khả năng bảo mật và tối ưu trải nghiệm thanh toán hiện đại cho khách hàng. Trong tương lai, thanh toán không chạm dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng thanh toán chủ yếu của người dân.