Sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức thanh toán không tiền mặt hiện nay đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Ở thời điểm hiện tại, thẻ ngân hàng không chỉ phục vụ mục đích rút tiền mà còn dùng để giao dịch thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thẻ hoặc thanh toán online trên các trang thương mại điện tử. 

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

Hội thảo thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai

Hội thảo thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai (Ảnh sưu tầm).

Sáng ngày 26/9/2023, Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai được tổ chức bởi Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS. Mở đầu cho phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng giám đốc NAPAS đã đưa ra những đánh giá về xu hướng phát triển của thị trường thanh toán trong nước thời gian qua. Cùng với đó, chủ đề xu hướng thanh toán trong tương lai cũng được đưa vào thảo luận trong buổi hội thảo…

1. Triển vọng phát triển của thị trường thẻ Việt Nam 

Nói về triển vọng của thị trường thẻ, Ông Nguyễn Quang Minh nhận định, thẻ quốc tế và thẻ nội địa là hai sản phẩm thẻ thanh toán phổ biến nhất hiện nay. Cụ thể, số liệu được thống kê từ Chi Hội Thẻ, Hiệp hội Ngân Hàng cho thấy thị trường Việt Nam đang có hơn 140 triệu thẻ đang được lưu hành. Trong số đó, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế với hơn 40 ngân hàng và 4 công ty tài chính phát hành thẻ. Dựa trên số liệu năm 2022, số lượng thẻ mở mới lên tới 33 triệu thẻ chiếm trên 25% số lượng thẻ đang lưu hành.

Ông Nguyễn Quang Minh đang phát biểu trong hội thảo

Ông Nguyễn Quang Minh nhận định thị trường thẻ đang tăng trưởng, phát triển nhanh chóng (Ảnh sưu tầm).

Qua phân tích có thể thấy:

(1) Tổng số thẻ ghi nợ: Số thẻ nội địa chiếm 81% và thẻ quốc tế chiếm 19%.

(2) Tổng số thẻ tín dụng: Số lượng thẻ nội địa chiếm 6%, thẻ quốc tế chiếm 94%.

(3) Tổng số thẻ trả trước: Số thẻ nội địa chiếm 66% và thẻ quốc tế chiếm 34%.

Hiện nay, ở khắp lãnh thổ Việt Nam có khoảng 1,5 triệu máy POS tương ứng với khoảng 1,5 triệu điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Trong khi đó, chỉ có khoảng 600 nghìn điểm bán chấp nhận thanh toán bằng mã QR.

Qua các số liệu trên, ông Minh khẳng định, thói quen của người dân cũng dần thay đổi theo sự phát triển của các phương thức thanh toán. Các hoạt động chi tiêu có xu hướng chuyển từ sử dụng tiền mặt sang quét mã QR hoặc sử dụng thẻ thanh toán tại các điểm chấp nhận hoặc thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử. Điều này cho thấy giờ đây, tính năng của thẻ ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc rút tiền. Xu hướng này thể hiện rõ rệt hơn qua thực trạng giao dịch rút tiền mặt liên tục giảm trong thời gian qua.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng của số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền lên tới 55%. 

Cụ thể:

  • Giao dịch qua kênh Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị.
  • Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng là 65% và 77%.
  • Giao dịch qua phương thức QR code tăng tương ứng là 152% và 301% so với cùng kỳ năm 2022.

>>> Tìm hiểu thêm:

2. Xu hướng thanh toán trong tương lai

Về xu hướng phát triển phương thức thanh toán, ông Nguyễn Quang Minh chia sẻ, NAPAS đang triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến nhằm nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Tiêu biểu là dịch vụ Tap to phone dự kiến thử nghiệm vào cuối năm 2023 và ra mắt vào năm 2024. Tap to phone là công cụ cho phép các đơn vị chấp hành thẻ sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng như một máy POS để thanh toán thẻ không tiếp xúc. Dịch vụ này giúp đảm bảo giao dịch thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn theo thời gian thực 24/7, chấp nhận thanh toán hầu hết các loại thẻ... Dịch vụ Tap to phone là giải pháp tối ưu với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tính di động như cửa hàng tạp hóa, shipper giao hàng... giúp khách hàng dễ dàng thanh toán, rút ngắn thời gian thao tác mà vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật.

Bắt kịp xu hướng, các ngân hàng nhanh chóng lan tỏa tinh thần đổi mới, ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại. Từ đó, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy, trở nên gần gũi và quen thuộc hơn với nhiều nhóm khách hàng. Trong tương lai, hình thức thanh toán này dự kiến vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.