Ngành ngân hàng đang đi đầu về chuyển đổi số với những bước cải tiến và đột phá trong cung cấp các hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của người dân và toàn xã hội. Dưới đây là 5 xu hướng công nghệ được dự đoán mang đến một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành ngân hàng.

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

Xu hướng công nghệ mới cho ngành ngân hàng

Ngành ngân hàng đang có sự phát triển nhanh chóng với những xu hướng công nghệ mới (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

1. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ giúp mô phỏng suy nghĩ, nhận thức, kỹ năng học tập, hành vi… của con người và áp dụng vào máy móc. Trong lĩnh vực ngân hàng, AI được ứng dụng để tạo nên Chatbot tự động, trợ lý ảo, hệ thống chấm điểm tín dụng, quản lý tài sản tự động, gợi ý đầu tư…. Các công nghệ này cho phép các ngân hàng tự động hóa quá trình hoạt động, tăng cường phát hiện gian lận và cải thiện dịch vụ khách hàng. 

Dựa trên các công nghệ và mô hình nền tảng, AI chatbot có khả năng thu thập, phân tích và dự đoán nhu cầu khách hàng. Nó có thể tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên, sàng lọc và phân tích yêu cầu của người dùng theo những từ khóa liên quan. Bên cạnh đó, AI chatbot giúp ngân hàng cung cấp dịch vụ hỗ trợ 24/7 và phản hồi tức thì cho các vấn đề của khách hàng. Điều này giúp làm tăng sự hài lòng, cải thiện lòng trung thành của khách hàng và tiết kiệm chi phí so với các công cụ truyền thống, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng. 

Cùng với chatbot, trợ lý ảo là phần mềm được tạo ra dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích hỗ trợ người dùng thực hiện các thao tác hoặc tìm kiếm thông tin bằng giọng nói. Trợ lý ảo ngân hàng có thể xử lý cùng lúc nhiều câu hỏi và giao dịch phức tạp với tính cá nhân hóa cao hơn. Đây là công nghệ tiên tiến, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng trong thời đại mới.

Ngoài chatbot và trợ lý ảo đã được ứng dụng khá phổ biến, giờ đây, AI được phát triển và mở rộng thêm nhiều tính năng, tiện ích cho người dùng như đề xuất kế hoạch đầu tư, tiết kiệm một cách cá nhân hóa, cố vấn tài chính thông qua phân tích thị trường và thói quen tiêu dùng của mỗi người… 

Các ngân hàng đang đi sâu vào công nghệ AI, tận dụng trí tuệ thông minh để đưa ra quyết định đầu tư và hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Điển hình như Techcombank đã bắt tay cùng Personetics - công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp các giải pháp cá nhân hoá, giúp khách hàng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ AI. Thông qua việc phân tích lịch sử và hành vi giao dịch tài chính của từng khách hàng, hệ thống này sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích như "mẹo" tiết kiệm, đề xuất sản phẩm tài chính phù hợp, hay tư vấn tăng trưởng tài sản.

Chatbot và trợ lý ảo

Chatbot và trợ lý ảo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

2. Blockchain

Blockchain (Công nghệ chuỗi - khối) là một hệ cơ sở dữ liệu phân cấp cho phép truyền tải và lưu trữ thông tin một cách an toàn, minh bạch. Trong đó, các khối thông tin được liên kết với nhau bằng hệ thống mã hóa phức tạp, tạo thành chuỗi và có thể mở rộng theo thời gian. Các dữ liệu sẽ có sự nhất quán theo trình tự thời gian, một khi dữ liệu đã được hệ thống chấp nhận thì sẽ không thể xóa hay sửa đổi khi không có sự đồng thuận từ mạng lưới. 

Tích hợp Blockchain trong lĩnh vực ngân hàng hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng cũng đã có một số tác động nhất định trên thị trường tài chính. Ứng dụng Blockchain tạo nên một hệ thống ghi chép kỹ thuật số an toàn, minh bạch, không thể chỉnh sửa hay biến đổi. Với hệ thống này, Blockchain được ví là “vệ sĩ mới” cho hệ thống bảo mật ngân hàng với sự tích hợp đầy đủ các công nghệ như vân tay, giọng nói, nhận diện khuôn mặt… 

Các chuyên gia nhận định rằng việc đánh sập hệ thống blockchain là điều cực kỳ khó bởi các dữ liệu đều được phân tán, mã hóa phức tạp và khóa bảo mật riêng. Nhờ vậy, Blockchain đảm bảo được độ bảo mật, riêng tư gần như tuyệt đối. 

Hiện nay, một số ngân hàng tại Việt Nam đã ứng dụng Blockchain trong một số dịch vụ như chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán quốc tế, truy xuất nguồn gốc hóa đơn điện tử… Trong tương lai, Blockchain được kỳ vọng sẽ trở thành công nghệ trụ cột với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính mới với chi phí thấp hơn, khả năng tiếp cận cao hơn.

Blockchain

Blockchain cung cấp hệ thống bảo mật an toàn gần như tuyệt đối cho các ngân hàng (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

3. SaaS

SaaS (Software as a Service) - một trong những dạng điện toán đám mây - là một mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm cho khách hàng truy cập và trả phí định kỳ. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, SaaS đem lại nhiều lợi ích đối với ngành ngân hàng: 

  • Cho phép ngân hàng linh hoạt hơn trong xây dựng các sản phẩm tài chính.
  • Dễ mở rộng phạm vi thị trường và các dịch vụ, từ đó tạo một môi trường năng động và tăng tính cạnh tranh.
  • Giúp các ngân hàng hạn chế các khoản chi cho việc duy trì hạ tầng vật lý, từ đó tối ưu hóa chi phí vận hành. 
  • Cung cấp các giải pháp an toàn với độ tin cậy cao và thu hút thêm nhiều khách hàng đến với ngân hàng. 

Hiện nay, các ngân hàng trên thế giới ngày càng có nhận thức hơn về tiềm năng của SaaS. Tại Việt Nam, mô hình SaaS cũng đang phát triển và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Với xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam, SaaS chính là một trong những lựa chọn hàng đầu. 

SaaS

SaaS cho phép các ngân hàng giảm chi phí, linh hoạt cung cấp sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút khách hàng (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

4. Thanh toán di động 

Thanh toán di động là hình thức giao dịch tài chính được thực hiện thông qua các thiết bị di động. Phương thức thanh toán này cho phép người dùng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi với tốc độ nhanh hơn so với cách thanh toán truyền thống. Đặc biệt, thanh toán di động còn tích hợp các tính năng bảo mật như xác thực vân tay, khuôn mặt, mã OTP… giúp đảm bảo được tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch. 

Thanh toán di động có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực:

  • Đối với người dùng: Thanh toán di động giúp người dùng dễ dàng thanh toán mọi lúc, mọi nơi, đồng thời cũng có thể theo dõi lịch sử giao dịch, hỗ trợ việc lập ngân sách và quản lý tài chính cho cá nhân, doanh nghiệp.
  • Đối với doanh nghiệp: Thanh toán di động giúp doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí liên quan đến quản lý tiền mặt, xử lý séc, thuê thiết bị đầu cuối… từ đó tối ưu hóa nguồn lực tài chính cho sự tăng trưởng và phát triển. 

Với những lợi ích to lớn trên, thanh toán di động hiện đang có sự tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có 92% ngân hàng đã phát triển các dịch vụ thanh toán di động. Các ứng dụng thanh toán di động như Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay… được chấp nhận rộng rãi trên thị trường. Điều này khẳng định thanh toán di động sẽ ngày càng phát triển và lan rộng với sự tiện lợi, an toàn trong quá trình sử dụng, đồng thời hứa hẹn sẽ trở thành phương thức thanh toán chủ đạo tại Việt Nam.

Thanh toán di động

Với những lợi ích to lớn, thanh toán di động sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

5. Ngân hàng mở

Ngân hàng mở là một kỹ thuật khi ngân hàng cho phép các nhà phát triển bên thứ ba xây dựng các ứng dụng, dịch vụ mới qua giao diện lập trình ứng dụng (API) dựa trên quyền truy cập mở vào dữ liệu của ngân hàng. Việc truy cập này phải được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Thông qua ngân hàng mở, các ngân hàng có thể phát triển thêm các ứng dụng mới, cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng. 

Ngân hàng mở mang tới cho các doanh nghiệp tài chính nhiều lợi ích, cụ thể: 

  • Tối ưu quy trình, giảm chi phí và thời gian giao dịch.
  • Gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ, đồng thời gia tăng lòng trung thành và sự hài lòng của khách hàng. 
  • Cho phép ngân hàng thu thập được nhiều thông tin khách hàng, thấu hiểu được nhu cầu tài chính của họ, từ đó cải thiện dịch vụ một cách cá nhân hóa và tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Thực tế tại Việt Nam, đã có nhiều ngân hàng đang ứng dụng ngân hàng mở để kết nối với các trung gian thanh toán, thương mại điện tử và các nhà cung cấp dịch vụ như điện, nước, giao thông… Các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng và phát triển công nghệ này sẽ là hướng tiếp cận tốt giúp các ngân hàng giải quyết bài toán về đa dạng dịch vụ tài chính, đồng thời cũng là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. 

Ngân hàng mở

Ngân hàng mở mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng (Nguồn: Ảnh sưu tầm).

Như vậy, 5 xu hướng công nghệ mới bao gồm AI, Blockchain, SaaS, thanh toán di động và ngân hàng mở được dự đoán sẽ định hình ngành ngân hàng trong tương lai và tạo ra môi trường cạnh tranh mới. Các tổ chức ngân hàng cần có sự thích nghi và sẵn sàng tích hợp công nghệ vào chiến lược kinh doanh để theo kịp sự phát triển công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. 

>>> Có thể bạn quan tâm: