Một vài thông tin về vấn đề gian lận qua mã QR thanh toán xuất hiện trên mặt báo khiến nhiều người dùng đặt câu hỏi “Mã QR làm giả được không?”. Theo dõi bài viết dưới đây để nhận được câu trả lời chính xác cùng một số lưu ý giúp thanh toán an toàn qua mã QR.

Bạn đọc lưu ý: Nội dung đề cập trong bài viết được tổng hợp dựa trên thông tin chung của thị trường, không đại diện cho duy nhất các sản phẩm và dịch vụ của Techcombank.

1. Mã QR thanh toán làm giả được không?

Mã QR thanh toán có thể bị các kẻ gian lợi dụng làm giả với mục đích xấu. Đây là một hình thức lừa đảo trực tuyến, trong đó kẻ gian sử dụng mã QR giả để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền của người dùng. 

Thông thường khi quét mã QR thật, thiết bị sẽ yêu cầu mở ứng dụng ngân hàng, sau đó người dùng sẽ cần đăng nhập và thực hiện quét mã QR thanh toán hóa đơn. Toàn bộ quy trình đều được bảo mật vì người dùng không cần cung cấp thông tin qua nền tảng trung gian. 

3 lựa chọn ngân hàng số nếu quét mã QR thật bằng tính năng quét QR của Zalo.

Nếu quét mã QR thật bằng tính năng quét QR của Zalo, màn hình sẽ tự động hiển thị 3 lựa chọn ngân hàng số được cài đặt trong điện thoại của bạn.

Tuy nhiên, nếu quét mã QR thanh toán giả mạo, người dùng sẽ bị chuyển hướng đến các website giả mạo ngân hàng. Tại đây, người dùng sẽ phải nhập thông tin như tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu đăng nhập, mã OTP hoặc thậm chí là số CCCD/CMND... Sau khi hoàn tất nhập liệu, kẻ gian có thể sử dụng các thông tin này nhằm mục đích xấu để chiếm đoạt tài sản cá nhân. Trong trường hợp khác, mã QR giả sẽ dẫn tới các website chứa mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại nhằm thu thập thông tin cá nhân của người dùng. 

Liên kết lạ hiển thị khi người dùng quét mã QR giả.

Liên kết lạ hiển thị khi người dùng quét mã QR giả.

Thêm vào đó, tình trạng “dán đè mã QR” tại các cửa hàng kinh doanh để chiếm đoạt giao dịch đang ngày càng phổ biến. Theo thông tin từ báo Thanh Niên, kẻ xấu sẽ lợi dụng sự chủ quan của cơ sở kinh doanh để dán đè mã QR khác. Khi khách hàng thực hiện thanh toán qua mã QR, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của kẻ xấu thay vì của chủ cửa hàng. 

Tóm lại, mã QR thanh toán có thể làm giả với thủ thuật tinh vi và rất khó để phát giác. Người dùng có thể tham khảo các gợi ý xử lý dưới đây để sử dụng mã QR an toàn, hiệu quả. 

2. Cần làm gì sau khi phát hiện mã QR thanh toán bị làm giả?

Trong trường hợp đã lỡ nhập thông tin cá nhân hoặc phát hiện ra các vấn đề bất thường trên điện thoại như liên tục bị nóng/nhanh hết pin, màn hình tự động hiển thị quảng cáo lạ, một số ứng dụng thường dùng gặp lỗi đột ngột… sau khi quét mã QR. Để tránh hậu quả xấu nhất, người dùng nên ngay lập tức làm theo các chỉ dẫn sau: 

  • Thay đổi mật khẩu và thông tin bảo mật liên quan: Người dùng cần thay đổi mật khẩu đăng nhập ngân hàng số, mã OTP/mã mở khóa xác thực giao dịch để tránh việc kẻ gian tiếp tục truy cập tài khoản ngân hàng. 
  • Liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản: Khóa tài khoản ngân hàng, kẻ xấu sẽ không thể thực hiện bất kỳ giao dịch nào bằng tài khoản dù là chuyển tiền hay nhận tiền.
Các bước thay thế thông tin bảo mật trên Techcombank Mobile.

Ví dụ hướng dẫn thay thế thông tin bảo mật trên Techcombank Mobile. 

Đối với trường hợp phát hiện mã QR trưng bày tại cửa hàng bị thay thế, chủ cửa hàng/đơn vị kinh doanh cần nhanh chóng thực hiện các bước sau: 

  • Quét mã QR giả để tra cứu thông tin tài khoản của kẻ xấu: Mã QR ngân hàng chứa thông tin tài khoản ngân hàng gồm số tài khoản, tên người thụ hưởng và ngân hàng thụ hưởng. Sau khi thu thập được thông tin tài khoản, chủ cửa hàng cần cung cấp các bằng chứng để cơ quan công an có thể vào cuộc điều tra.
  • Kiểm tra camera an ninh (nếu có): Hình ảnh ghi lại từ camera an ninh sẽ giúp chủ cửa hàng thu thập bằng chứng cũng như chân dung của kẻ gian. 
  • Trình báo lên cơ quan công an phường/xã/thị trấn: Chủ cửa hàng chuẩn bị đơn trình báo về việc mất trộm tài sản sau đó nộp đơn lên cơ quan Công an gần nhất để tố giác tội phạm. Để vụ việc được xử lý nhanh chóng và hiệu quả, chủ cửa hàng nên trình bày rõ nội dung kèm theo chứng cứ về hành vi phạm tội (nếu có). 
  • Liên hệ ngân hàng: Nên liên hệ đồng thời số CSKH của ngân hàng nơi kẻ gian mở tài khoản và ngân hàng nơi chủ cửa hàng mở tài khoản để kết hợp điều tra. 

Số tổng đài Techcombank hoạt động 24/7 để hỗ trợ khách hàng xử lý vấn đề khi sử dụng mã QR.

3. Một số lưu ý khi sử dụng mã QR thanh toán

Đối với người dùng quét mã QR để thanh toán

Người dùng nên cẩn trọng trước khi quét mã QR, đặc biệt là mã QR được chia sẻ qua mạng xã hội, email (thư điện tử), tin nhắn SMS… Nếu màn hình hiển thị đường link lạ sau khi quét mã QR, bạn nên ngừng toàn bộ thao tác và tuyệt đối không nhập thông tin bảo mật của tài khoản ngân hàng hoặc thông tin cá nhân nếu được yêu cầu. 

Bên cạnh đó, nếu quét mã QR thanh toán tại cửa hàng, người mua nên kiểm tra lại số tài khoản và tên chủ tài khoản thụ hưởng để đảm bảo trùng khớp với thông tin người nhận.

Đối với chủ cửa hàng kinh doanh

Nên trưng bày mã QR nhận thanh toán tại quầy thu ngân để dễ dàng theo dõi và kiểm soát, tránh dán trên tường, bên ngoài quầy hàng hoặc dán nhiều nơi trong cửa hàng. Chủ cửa hàng cũng nên ưu tiên sử dụng bộ ấn phẩm QR trưng bày được thiết kế riêng thay vì giấy in thông thường vì dễ bị dán đè. 

Bên cạnh đó, chủ cửa hàng nên thường xuyên tự quét mã QR để kiểm tra thông tin nhằm phòng tránh rủi ro bị kẻ xấu dán đè mã khác. Ngoài ra, thu ngân có thể chủ động đề nghị người mua kiểm tra lại thông tin tài khoản thụ hưởng trước khi xác nhận thanh toán. 

Bạn có thể chia sẻ trực tiếp mã QR cho người chuyển tiền thông qua ngân hàng số trên điện thoại, chi tiết khách hàng tham khảo qua bài viết: Hướng dẫn cách gửi mã QR ngân hàng nhận tiền đơn giản.

Bộ ấn phẩm QR trưng bày để tránh rủi ro bị kẻ xấu dán đè mã QR.

Chủ cửa hàng nên ưu tiên sử dụng bộ ấn phẩm QR trưng bày để tránh rủi ro bị kẻ xấu dán đè mã QR.

Mã QR thanh toán có thể làm giả là đáp án của câu hỏi “Mã QR làm giả được không?”. Kẻ xấu sẽ sử dụng các thủ đoạn tinh vi và lợi dụng sự chủ quan của người dùng để chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR giả. Vì vậy, người dùng nên thực sử tỉnh táo để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân. 

Nếu cần sự giúp đỡ, người dùng có thể liên hệ với Techcombank để được chuyên viên ngân hàng tư vấn trực tiếp: 

  • Hotline:

         - Trong nước: 1800 588 822 (KHCN) - 1800 6556 (KHDN)  

         - Quốc tế: +84 24 3944 6699 (KHCN) - +84 24 7303 6556 (KHDN)