Kết quả hoạt động trong nửa đầu năm của Ngân hàng Techcombank được cộng hưởng tích cực từ đà phục hồi của nền kinh tế từ quý 4 năm trước. Thu nhập từ lãi vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tập khách hàng được mở rộng với nhu cầu gắn kết, sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng cao giúp chúng tôi gia tăng đáng kể thu nhập từ phí. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong trung và dài hạn, tuy nhiên COVID-19 có thể sẽ tạo ra khó khăn, thách thức cho một số khách hàng. Mức độ nghiêm trọng của dịch đã gia tăng từ cuối quý 2, khi chính phủ đã ban hành các biện pháp giãn cách xã hội mạnh hơn nhằm kiểm soát đợt dịch mới, bên cạnh việc đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin trong cộng đồng.
Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào việc bảo vệ nhân viên, cũng như cung cấp cho khách hàng các giải pháp điện tử, đảm bảo thông suốt, liên tục các hoạt động tài chính ngay cả trong điều kiện hạn chế đi lại, giao dịch tại quầy v.v. như chúng tôi đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện kể từ khi đại dịch bắt đầu trong năm 2020.
 
Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank

Tải file PDF

  
  
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
 
  • Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 52,1% với cả thu nhập từ lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ đều tăng trưởng hai chữ số.
  • Thu nhập từ lãi (NII) đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56,0% so với cùng kỳ năm trước, dẫn dắt bởi biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,5% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30 tháng 6 năm 2020).
  • Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) tăng trưởng 31,5%, đạt 2,8 nghìn tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại hình phí chủ chốt.
  • Thu nhập phí liên quan tới chứng khoán, cấu phần lớn nhất trong NFI, tăng trưởng 18,4%, bao gồm 420 tỷ đồng phí bảo lãnh phát hành trái phiếu và 865 tỷ đồng phí từ các dịch vụ khác – bao gồm phí từ hoạt động ủy thác, tư vấn và đại lý, phí môi giới và phí quản lý quỹ.
  • Dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng 60,1% về doanh thu khai thác mới (APE). Phí bảo hiểm tăng 48,1% so với cùng kỳ dù việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ cuối quý 2 do các thành phố lớn thực hiện gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bênh COVID.
  • Chi phí hoạt động tăng 29,6% so với cùng kỳ, đạt 5,2 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 28,4% do các khoản đầu tư về IT và Marketing ghi nhận độ trễ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
  • Chi phí dự phòng ở mức 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
 
  • Tổng tài sản đạt 504,3 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối quý 2 năm 2021, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14,7% tính từ đầu năm 2021.
  • Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/06/2021 đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với đầu năm. Nhu cầu tín dụng duy trì ổn định, với sự gia tăng đáng kể của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 16,0% trong kỳ.
  • Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn tăng khoảng 11,0% so với đầu năm.
  • Tổng tiền gửi tại ngày 30/06/2021 là 289,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,3% kể từ đầu năm.
 
 TIỀN GỬI KHÔNG KỲ HẠN (CASA)
 
  • Tỷ lệ CASA đạt 46,1% tại thời điểm 30 tháng 06 năm 2021, không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2020.
  • Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133,4 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái.  
  • Tiền gửi có kỳ hạn đạt 155,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với 30/6/2020, do ngân hàng đã tối ưu hóa cấu trúc vốn, ưu tiên các nguồn vốn có lãi suất thấp.
 
THANH KHOẢN VÀ VỐN
 
  • Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi đạt 76,6%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 39,1%, cao hơn mức 33,9% vào cuối năm 2020.
  • Ngân hàng cũng duy trì vị thế vốn hàng đầu Việt Nam với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý theo Basel II đạt 15,2%, cao hơn yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II.
 
 CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN
 
  • Tại thời điểm 30 tháng 06 năm 2021, tỷ lệ nợ xấu đạt mức 0,4%, thấp hơn mức 0,9% tại quý 2 năm 2020 và duy trì mức 0,4% đã công bố cuối quý 1 năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2/2021 là 259%, tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020, và 109% tại thời điểm 30 tháng 06 năm 2020.
  • Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 giảm xuống còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% dư nợ hiện tại. Khoảng 67% số khách hàng trong chương trình này đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu tính đến hết tháng 6 năm 2021.
 
CÁC CÔNG TY CON
 
  • Kết quả kinh doanh hợp nhất của Techcombank được đóng góp bởi kết quả kinh tích cực của công ty con, Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với doanh thu đạt 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận trước thuế đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • TCBS chiếm 46,2% thị phần môi giới trái phiếu doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và duy trì ấn tượng khoảng 27% thị phần tài khoản chứng khoán mở mới trong nửa đầu năm 2021.
  • TCBF, quỹ trái phiếu mở được quản lý bởi TCBS, tiếp tục là quỹ trái phiếu lớn nhất thị trường, với tổng giá trị tài sản là 26,7 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 30 tháng 06 năm 2021, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
KHÁCH HÀNG VÀ CÁC DẤU ẤN KINH DOANH KHÁC 

“Ngân hàng tốt nhất Việt Nam”
  • Trong tháng 6/2021, Techcombank vinh dự lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” do FinanceAsia trao tặng. Sau đó không lâu, Techcombank tiếp tục được EuroMoney trao giải “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam”, 2021. Đây cũng lần thứ 2 Ngân hàng nhận được giải thưởng này kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 6 năm 2018. Các giải thưởng này là sự ghi nhận những thành quả mà ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt sự ổn định và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng trong bối cảnh dịch COVID-19.
  • Trong cuộc khảo sát Người tiêu dùng và Xếp hạng Ngân hàng Bán lẻ năm 2021 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương được thực hiện bởi BankQuality, Techcombank là Ngân hàng Việt Nam duy nhất nằm trong top 10 các ngân hàng bán lẻ được tin dùng nhất xét theo mức độ hài lòng của khách hàng.
Khách hàng mới 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên 8,9 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 296,9 triệu giao dịch (tăng 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 4,3 triệu tỷ đồng (tăng 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái). 

Công nghệ điện toán đám mây (Cloud) 

Việc nâng cấp nền tảng công nghệ sẽ giúp chúng tôi tiếp tục phát triển tích cực về giao dịch của khách hàng cũng như các ứng dụng phụ trợ khác. Với khối lượng giao dịch qua kênh điện tử thuộc hàng cao nhất Việt Nam, Techcombank sẽ tiếp tục dẫn đầu ngành trong việc ứng dụng điện toán đám mây theo cả chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo độ tin cậy, ổn định, an toàn và hiệu quả hoạt động. Ngân hàng đã hoàn tất việc đánh giá toàn diện và xây dựng kế hoạch để đưa các ứng dụng và cơ sở hạ tầng lên cloud. Tới cuối năm 2021, nền tảng cho một hồ dữ liệu (data lake) mới sẽ cung cấp cơ sở an toàn và bổ sung các chức năng mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. 

Hợp tác về bảo hiểm 

Sau quá trình xem xét và trao đổi toàn diện, Techcombank đã đạt được thỏa thuận củng cố mối quan hệ hợp tác bảo hiểm với Manulife Việt Nam (MLV) được thiết lập từ năm 2017. Techcombank sẽ nhận được nhiều hơn các chương trình đào tạo và đầu tư tài chính để thúc đẩy tăng trưởng mảng bảo hiểm thông qua các trụ cột số hóa, dữ liệu và nhân tài. Thỏa thuận hợp tác cũng thống nhất nắm bắt các cơ hội mới của thị trường bảo hiểm rất năng động và giàu tiềm năng tại Việt Nam và được kỳ vọng sẽ góp phần dẫn dắt tăng trưởng thu nhập từ phí trong những năm tiếp theo. 

Mỗi đối tác sẽ tập trung xây dựng nền tảng hướng tới mục tiêu chung – mở rộng các giải pháp tài chính tổng thể và nâng cao quyền lợi được bảo vệ toàn diện cho các khách hàng của Techcombank. Các giải pháp này sẽ tập trung lấy khách hàng làm trọng tâm và nâng cao năng lực số, tạo ra trải nghiệm khác biệt và vượt trội so với thị trường đặc biệt được thiết kế riêng cho các khách hàng của Techcombank. Việc tối ưu hóa năng lực số của TCB và MLV, đặc biệt đối với các “điểm chạm” về dịch vụ khách hàng và quy trình vận hành thông suốt, sẽ giúp nâng cao hiệu quả và mang lại những kết quả kinh doanh tích cực cho cả hai bên. 

Hợp tác về thẻ 

Trong quý 2/2021, Techcombank đã lần đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn trong 5 năm với Visa, đánh dấu cột mốc mới trong mối quan hệ thân thiết được thiết lập từ nhiều năm qua nhằm xây dựng các giải pháp thanh toán tại Việt Nam. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng lớn và mang tới những giải pháp đa dạng cho khách hàng, chúng tôi cũng đã ký thỏa thuận hợp tác và thiết lập mối quan hệ với Mastercard với kế hoạch ra mắt hai sản phẩm mới trong năm 2021. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức thẻ và thanh toán hàng đầu thế giới để cung cấp những giải pháp thanh toán điện tử phù hợp nhất cho khách hàng. 
  
VỀ TECHCOMBANK 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã chứng khoán TCB VN. Ngân hàng được thành lập năm 1993 khi Việt Nam vừa mới trải qua công cuộc Đổi Mới, chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. 
Techcombank là một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những ngân hàng hàng đầu ở châu Á. Techcombank áp dụng chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm trong việc cung cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng đa dạng cho khoảng 8,9 triệu khách hàng, bao gồm khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua mạng lưới rộng khắp với hơn 300 điểm giao dịch trên toàn quốc cũng như dịch vụ  ngân hàng số và ngân hàng di động dẫn đầu thị trường. Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt tạo nên sự khác biệt cho Techcombank tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. 

Techcombank được xếp hạng tín dụng ở mức cao nhất trong số các ngân hàng ở Việt Nam với xếp hạng Ba3, triển vọng Tích cực và là ngân hàng duy nhất chỉ bị hạn chế bởi mức trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ Moody’s. S&P xếp hạng Techcombank BB-, triển vọng Ổn định. 
  
Ngân hàng cũng được Euromoney trao giải “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2018, 2021 và được FinanceAsia vinh danh “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2020, 2021.

  

Thông tin báo chí, vui lòng liên hệ: 
NGUYỄN THỊ LÊ NA 
Bộ phận truyền thông đối ngoại 
Điện thoại:  +84 24 3944 6368 – Máy lẻ: 6403 
Email: nantl2@techcombank.com.vn
Thông tin NĐT, vui lòng liên hệ: 
Bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư 
Email: ir@techcombank.com.vn 
 

  

  
Từ viết tắt:

  • Doanh thu khai thác mới (APE) 
  • Tỷ lệ an toàn vốn (CAR)
  • Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR)
  • Tiền gửi không kỳ hạn (CASA)
  • Nửa đầu năm 2021 (1H)
  • Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR)
  • Thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI)
  • Thu nhập từ lãi (NII)
  • Nợ xấu (NPL)
  • Thư tín dụng (LC)
  • Lợi nhuận trước thuế (PBT)
  • Quý 1, 2 (1Q, 2Q)
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)
  • Công ty chứng khoán kỹ thương (TCBS)
  • Thu nhập hoạt động (TOI)
  • Đồng (VND)
  • So với cùng kỳ năm trước (YoY)
  • Tính từ đầu năm (YTD)
  • Ngân hàng đầu tư (IB)
 

Những chỉ số tài chính nổi bật 
 

Bảng cân đối (Tỷ đồng) 2Q20 3Q20 4Q20 1Q21 2Q21 Q/Q N/N
Tổng tài sản 395.861 401.462 439.603 462.823 504.304 9,0% 27,4%
Huy động từ khách hàng 249.857 252.572 277.459 287.446 289.335 0,7% 15,8%
Tăng trưởng tín dụng1 (So với đầu năm) 2,7% 8,3% 23,3% 5,7% 11,2% n/a4 n/a4
Tỷ lệ CASA 34,4% 38,6% 46,1% 44,2% 46,1% 186 bps 1.169 bps
Tỷ lệ nợ xấu 0,9% 0,6% 0,5% 0,4% 0,4% -3 bps -55 bps
Chi phí tín dụng (Tính trong 12 tháng gần nhất) 0,6% 1,0% 0,9% 0,8% 0,9% 10 bps 28 bps
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu 108,6% 148,0% 171,0% 219,4% 258,9% 395 bps 1.504bps
Vốn và thanh khoản 2Q20 3Q20 4Q20 1Q21 2Q21 Q/Q N/N
CAR theo Basel II 16,9% 16,7% 16,1% 15,8% 15,2% -63 bps -168 bps
Tỷ lệ vốn cấp 1 theo Basel II 16,4% 16,3% 15,7% 15,4% 14,8% -61 bps -166 bps
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn2 25,5% 31,1% 33,9% 34,4% 39,1% 470 bps 1.368 bps
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi theo NHNN3 72,5% 71,9% 78,1% 79,2% 76,6% -266 bps 405 bps
Khả năng sinh lời (Tỷ đồng) 2Q20 2Q21 6T20 6T21 2Q21 vs. 2Q20 6T21 vs. 6T20  
Thu nhập từ lãi 3.938 6.585 8.147 12.708 67,2% 56,0%  
Thu nhập ngoài lãi 1.878 2.621 3.778 5.430 39,6% 43,7%  
Tổng thu nhập hoạt động 5.817 9.206 11.926 18.138 58,3% 52,1%  
Chi phí hoạt động (1.761) (2.591) (3.977) (5.154) 47,1% 29,6%  
Lợi nhuận trước thuế 3.617 6.018 6.738 11.536 66,4% 71,2%  
Tỷ lệ NFI/TOI 20,2% 15,8% 17,7% 15,3% -439 bps -241 bps  
Tỷ lệ CIR 30,3% 28,1% 33,3% 28,4% -213 bps -494 bps  
Tỷ lệ ROA (Tính trong 12 tháng gần nhất) 2,9% 3,7% 2,9% 3,7% 81 bps 81 bps  
Tỷ lệ ROE (Tính trong 12 tháng gần nhất) 17,6% 21,7% 17,6% 21,7% 404 bps 404 bps  
NIM (Tính trong 12 tháng gần nhất) 4,5% 5,6% 4,5% 5,6% 114 bps 114 bps  
Chi phí vốn 3,7% 2,2% 3,7% 2,3% -148 bps -142 bps5