KẾT QUẢ NỔI BẬT
- Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 11,3 nghìn tỷ đồng – trong đó 2Q ổn định so với 1Q23
- Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 18,6 nghìn tỷ đồng – trong đó 2Q ổn định so với 1Q23
- Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng trở lại mức 34,9%, cao hơn mức 32,0% cuối 1Q23
- Tỷ lệ an toàn (CAR) theo Basel II tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành ở mức 15,1%
- Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức cao đầu ngành 2,6%.
Ngày 24 tháng 07 năm 2023, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) công bố kết quả kinh doanh quý 2 năm 2023.
“Techcombank tiếp tục duy trì các chỉ số kinh doanh ổn định trong quý 2/2023 trong bối cảnh thị trường chung vẫn còn nhiều thách thức, dù đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) đã bắt nhịp hồi phục của thị trường chứng khoán và khối lượng phân phối trái phiếu doanh nghiệp có nhiều cải thiện. Chúng tôi tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng và tiền gửi cao, lần lượt đạt 8,5% và 6,6% so với đầu năm, trong khi nợ xấu và CAR được duy trì ở mức lành mạnh. Một chỉ số quan trọng là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã chứng kiến đà tăng trở lại, đạt gần 35% cuối quý 2/2023, đánh dấu sự hồi phục sau bốn quý nghịch chiều.
Kết quả vượt trội trong việc thu hút thêm hơn 1,4 triệu khách hàng mới đến với Techcombank chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều hơn cả năm 2022 cộng lại, là nhờ sự kiên định thực thi chiến lược “khách hàng là trọng tâm” cùng các đối tác của Ngân hàng, cũng như, chú trọng đầu tư cho các sản phẩm số hóa, được tinh chỉnh phù hợp theo nhu cầu cá nhân hóa ngày càng cao của các khách hàng, bao gồm cả nhà bán lẻ, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Những nỗ lực này tiếp tục được ghi nhận khi Techcombank vinh dự giành giải thưởng Ngân hàng tốt nhất Việt Nam do FinanceAsia bình chọn, dẫn đầu bảng xếp hạng Nơi làm việc xuất sắc nhất Việt Nam (trao tặng bởi Great Place to Work), cùng nhiều giải thưởng danh giá khác”
Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank
Tải file PDF
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH 6 THÁNG ĐẦU NĂM NĂM 2023
- Thu nhập lãi thuần (NII) đạt 12,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khi biên lãi thuần (NIM, tính trong 12 tháng gần nhất) giảm xuống dưới mức cao kỷ lục vào đầu năm 2022. Trong quý 2, thanh khoản hệ thống được cải thiện và lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều đợt cắt giảm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, lợi suất tài sản chịu áp lực do chính sách giá linh hoạt nhằm hỗ trợ khách hàng, cũng như môi trường cạnh tranh gay gắt. Ngân hàng cho rằng NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quý 3.
- Thu nhập từ hoạt động dịch vụ1 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 nghìn tỷ, dẫn dắt bởi:
- Thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 995 tỷ đồng (tăng 53,4% so với cùng kỳ - N/N): Thu phí từ thẻ tín dụng được thúc đẩy bởi tăng trưởng khối lượng giao dịch (đạt 67,4 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng 28,5% N/N) nhờ đề xuất giá trị khách hàng hấp dẫn. Ngân hàng cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong khối lượng trả góp (tăng 52,1% N/N) nhờ những nỗ lực của tạo ra những sản phẩm thân thiện và tiện lợi đối với khách hàng.
- Thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán đạt 2.071 tỷ đồng (tăng 147% N/N): Ngân hàng tiếp tục mở rộng và củng cố chuỗi các giải pháp kỹ thuật số, bao gồm các giải pháp tân tiến cho các doanh nghiệp thương mại, và các sản phẩm quản lý tiền mặt, v.v., cũng như phát triển ứng dụng hàng đầu dành cho khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Techcombank Business.
- Thu phí dịch vụ ngoại hối (FX) đạt 481 tỷ đồng (tăng 25,4% N/N): Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi giao dịch ngoại hối (tăng 4,3% N/N) và và các sản phẩm phái sinh liên quan (tăng 155,3% N/N) của các khách hàng doanh nghiệp. Techcombank đã tích cực xây dựng đội ngũ tư vấn tận tâm cũng như phát triển các giải pháp ngoại hối phù hợp nhất, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng khi Việt Nam tiến hành hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm đạt 290 tỷ đồng (giảm 53,0% N/N): Không nằm ngoài xu hướng thị trường chung, Ngân hàng tiếp tục ghi nhận doanh thu bảo hiểm sụt giảm. Giữa những thách thức của thị trường bảo hiểm Việt Nam, Techcombank đã tích cực cải thiện hoạt động tư vấn. Nhằm bổ trợ phương pháp tư vấn dựa trên nhu cầu hiện đang được áp dụng, trong thời gian gần đây, Ngân hàng đã triển khai nền tảng quản lý quan hệ khách hàng (Salesforce CRM), sau khi cho ra mắt iTCBlife – một công cụ phân tích nhu cầu vào năm ngoái. Chúng tôi cũng đã thành lập một tổng đài tư vấn bảo hiểm qua điện thoại (call centre) để giải quyết mọi thắc mắc của khách hàng.
- Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt 599 tỷ đồng (giảm 65,9% N/N) do những khó khăn chung của thị trường trái phiếu. Tuy vậy, quý 2/2023 chứng kiến sự hồi phục đáng khích lệ, khi dịch vụ ngân hàng đầu tư tăng 11% so với quý trước. Khối lượng trái phiếu tư vấn phát hành và phân phối trong quý 2/2023 lần lượt tăng 95,8% và 63,4%, so với mức nền thấp tại quý 1/2023.
- Ngân hàng ghi nhận 1.061 tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác, không bao gồm hoàn nhập dự phòng, so với 43 tỷ đồng chi phí thuần tại cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chi phí hoán đổi ngoại hối giảm cũng như khoản 731 tỷ đồng lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý 1/2023.
- Thu từ nợ đã xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro (DPRR) đạt 312 tỷ đồng, giảm 63,1% N/N, phản ánh đúng những khó khăn trên toàn thị trường và nửa đầu năm 2022 ghi nhận khoản thu hồi nợ một lần.
- Chi phí hoạt động giảm nhẹ 3,0% so với cùng kỳ, xuống mức 6,0 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ CIR giảm về mức 32,3% (quý 2/2023 CIR: 30,8%). Mức giảm đến từ việc kiểm soát chặt chẽ chi phí nhân sự và chi phí marketing thấp hơn. Ngân hàng tiếp tục đầu tư vào số hóa và công nghệ điện toán đám mây, dẫn tới chi phí khấu hao tài sản cố định trong nửa đầu năm tăng 74,3% so với cùng kỳ, và khấu hao nhà cửa & máy móc, thiết bị tăng 47,3%.
- Chi phí dự phòng tăng 111,1% so với cùng kỳ năm trước, cùng pha với mức độ tăng trưởng của nợ xấu. Chi phí tín dụng của Ngân hàng được kiểm soát tốt ở mức 0,6%.
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN
Tổng tài sản đạt 732,5 nghìn tỷ đồng tại ngày 30 tháng 6 năm 2023, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đi ngang so với quý trước. Tính riêng Ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 8,5% so với đầu năm, đạt ngưỡng 482,2 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng quý 2 nhìn chung vẫn ổn định so với quý 1 do hạn mức tín dụng của NHNN.
- Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, bao gồm cho vay ký quỹ của CTCK Kỹ thương, duy trì ở mức ổn định so với cùng kỳ năm trước (giảm 6,7% so với quý 1). Dư nợ cho vay mua nhà của Techcombank trong nửa đầu 2023 giảm do sự gia tăng của các khoản trả trước trong khi các khoản giải ngân mới vẫn ở mức thấp, phản ánh những khó khăn của thị trường. Mặt khác, dư nợ cho vay ký quỹ tại TCBS tăng 7,1% Q/Q, do thanh khoản trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu bắt đầu quay trở lại.
- Tín dụng doanh nghiệp (bao gồm cho vay & trái phiếu) tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ (27,2% N/N và 6,4% Q/Q), cho thấy nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng và nỗ lực phối hợp từ khối Ngân hàng Doanh Nghiệp (BB), Dịch vụ Giao dịch Toàn cầu (GTS) và Văn phòng kỹ thuật số (DO) nhằm mở rộng chuỗi các sản phẩm và các giải pháp kỹ thuật số được “may đo” cho từng khách hàng.
- Tiền gửi của khách hàng đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (đi ngang so với quý trước). Trong đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với quý trước, cho thấy sự phục hồi đáng khích lệ. Ngân hàng kỳ vọng CASA sẽ cải thiện trong 6 tháng còn lại của năm 2023, do lãi suất đã bắt đầu ổn định trở lại và việc tăng trưởng CASA luôn là một trọng tâm quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Techcombank. Tiền gửi có kỳ hạn (TD) đạt 248,6 nghìn tỷ đồng (tăng 47,1% N/N và giảm 5,6% Q/Q).
THANH KHOẢN VÀ VỐN
- Nền tảng vốn của Ngân hàng được quản trị chặt chẽ. Tại thời điểm 30 tháng 6 năm 2023, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) ở mức 80,4% với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 31,6% (so với 33,5% vào thời điểm kết thúc quý 1), chuẩn bị cho việc tuân thủ theo yêu cầu quy định mới, 30%, có hiệu lục từ ngày 1 tháng 10 năm 2023.
- Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,1% vào cuối quý 2 năm 2023, tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II.
CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN
- Chất lượng tài sản của Ngân hàng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ nợ cần chú ý (B2) và nợ xấu (NPL) đúng với dự báo trước đây của Ngân hàng.
- Tại ngày 30 tháng 6 năm 2023, tỷ lệ nợ cần chú ý (B2) giữ ổn định tại mức 2,0% (so với 1,9% tại thời điểm 31 tháng 3 năm 2023). Tỷ lệ này đã bao gồm tác động đáng kể từ CIC, trong khi tỷ lệ B2 của riêng Ngân hàng là 1,4%.
- Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngành, 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%. Nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của Ngân hàng, kinh tế tăng trưởng chậm khiến áp lực trả nợ tăng cao và mảng cho vay mua nhà kém tích cực, cũng như tác động từ phân loại lại nợ theo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác. Nếu loại bỏ tác động của CIC, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng vẫn được kiểm soát tốt ở mức 0,9%.
CÁC CÔNG TY CON
- 6 tháng đầu năm 2023, TCBS ghi nhận 2 nghìn tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm 33,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quý 2/2023 đã ghi nhận những tín hiệu khả quan khi doanh thu tăng 16,4% so với quý trước. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, TCBS tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi, ghi nhận khối lượng tư vấn phát hành trái phiếu đạt 27,8 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong đó, quý 2 ghi nhận 18,4 nghìn tỷ, tăng 95,8% so với quý 1/2023.
- Trong nửa đầu năm 2023, tổng khối lượng giao dịch của khách hàng cá nhân trên tất cả các sản phẩm trong quý 2 đạt 8,4 triệu, tăng 39%. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 1 triệu lượt truy cập vào nền tảng giao dịch TCInvest của TCBS.
- Trong quý 2 năm 2023, TCBS đã phát hành thành công cổ phiếu phổ thông trị giá hơn 10.000 tỷ đồng cho TCB, nâng tổng vốn chủ sở hữu lên hơn 22.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn này là một trong những bước đi chiến lược nhằm đưa TCBS trở thành công ty Wealthtech hàng đầu Việt Nam về vốn chủ sở hữu, khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
- Là công ty tiên phong tại Việt Nam trong việc cung cấp trải nghiệm kỹ thuật số vượt trội, TCBS đã thu hút một số lượng lớn khách hàng mới trong quý 2 năm 2023, chiếm khoảng 8% tổng số tài khoản mở mới trên toàn thị trường. Những nỗ lực mở rộng thị phần đáng kể của TCBS đã giúp nâng tổng số khách hàng cá nhân của công ty lên hơn 900.000.
- Ngoài ra, TCBS đã được The Asset Triple A Digital Awards 2023 vinh danh qua các giải thưởng "Nhà quản lý tài sản kỹ thuật số của năm" và "Dự án phân tích dữ liệu tốt nhất". Công ty cũng được vinh danh là “Đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ Blockchain trong chuyển đổi số lĩnh vực tài chính ngân hàng” tại buổi lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
KHÁCH HÀNG VÀ CÁC DẤU ẤN KINH DOANH KHÁC TRONG KỲ
Tập khách hàng mới và giao dịch qua kênh điện tử
Techcombank đánh dấu nửa đầu năm 2023 với số lượng khách hàng lên tới 12,2 triệu, với thêm khoảng 1,4 triệu khách hàng được thu hút mới, trong đó 45,3% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 43,8% thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.
Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đã tăng lên 499,7 triệu trong quý 2 năm 2023, tăng 16,4% Q/Q và 36,4% N/N, trong khi tổng giá trị giao dịch đạt ~2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% Q/Q và giảm 18,6% N/N.
Tăng tốc thu hút khách hàng thông qua quan hệ đối tác với Masan - WinLife
Techcombank triển khai dịch vụ ngân hàng thông qua hệ sinh thái WinLife tại hơn 3.000 cửa hàng Masan trên toàn quốc. Hơn 0,6 triệu khách hàng từ hệ sinh thái này đã bắt đầu thực hiện thường xuyên giao dịch với Techcombank trong 6 tháng đầu năm 2023. Khoảng 90% trong số đó là khách hàng tích cực, chủ động. Quan hệ hợp tác này khuyến khích người tiêu dùng chuyển dịch từ thanh toán bằng tiền mặt sang các giao dịch kỹ thuật số tiện lợi và an toàn (đạt hơn 10 triệu giao dịch trong 6T23).
Ngân hàng Việt Nam tiên phong tổ chức Roadshow thu hút Nhân tài quốc tế
Tiếp nối thành công rực rỡ của hoạt động “Overseas Talent Roadshows 2022” tại Singapore, Mỹ và Anh, tháng 6/2023, Ngân hàng tiếp tục chiến dịch tuyển dụng nhân tài quốc tế tại Sydney, Úc. Ngân hàng kỳ vọng chiến dịch năm nay sẽ thu hút và chiêu mộ nhân sự chất lượng cao, những người có kỹ năng và kinh nghiệm độc đáo, cùng Techcombank viết tiếp hành trình chuyển đổi.
Nhìn lại năm 2022, Techcombank trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên tổ chức roadshow tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài, thể hiện định hướng chủ động hướng tới nhân tài và phát triển con người của Ngân hàng – một trong ba trụ cột chiến lược trong kế hoạch chuyển đổi 2021-2025.
Techcombank ra mắt sản phẩm mới dành cho các nhà bán lẻ (merchant)
Techcombank đã triển khai một chương trình đầy tham vọng nhằm giải quyết nhu cầu của hàng triệu nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh cá thể (merchant) tại Việt Nam thông qua định vị giá trị được thiết kế bài bản dựa trên chân dung khách hàng mục tiêu. Ngân hàng đã triển khai giải pháp thanh toán qua mã QR toàn diện, dễ dàng và thuận tiện, giúp tăng tốc độ thanh toán, giải quyết vấn đề “đau đầu” nhất mà các nhà bán lẻ gặp hàng ngày. Qua đó, họ có thể ra quyết định kinh doanh kịp thời và từ đó nâng cao hiệu quả bán hàng. Techcombank là ngân hàng đầu tiên trên thị trường tung ra ứng dụng thông báo tức thì cho nhiều thủ quỹ và chủ kinh doanh tại từng cửa hàng. Giải pháp này giúp loại bỏ đáng kể các nút thắt trong giao dịch, giúp các nhà bán lẻ tiết kiệm thời gian & tối ưu hóa hiệu quả. Ngoài ra, Techcombank còn triển khai bảng điều khiển theo dõi hiệu quả hoạt động trong ứng dụng, giúp các đơn vị chấp nhận thẻ có cái nhìn tổng thể về hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình, từ đó đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn. Đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của một loạt các dịch vụ và giải pháp giá trị gia tăng được cá nhân hóa mà Ngân hàng sẽ cung cấp cho các khách hàng thương mại như cổng thanh toán, cho vay nhanh dựa trên POS, tạo tài sản kép cho cá nhân/doanh nghiệp, v.v.
C-Cash, hệ thống quản lý nguồn vốn và thanh khoản lần đầu tiên được triển khai bởi một ngân hàng Việt Nam
Trong quý 2 năm 2023, Techcombank đã hợp tác với Kyriba – nhà cung cấp giải pháp ngân quỹ hàng đầu – nhằm thiết kế giải pháp quản lý thanh khoản và nguồn vốn cho doanh nghiệp, C-Cash. Giải pháp này bao gồm một nền tảng quản lý ngân quỹ toàn diện, bộ công cụ chuyên sâu về ngân quỹ và các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Người dùng có thể theo dõi toàn diện dòng tiền xuyên suốt các đơn vị kinh doanh của họ và giữa các ngân hàng, cũng như dự báo dòng tiền tận dụng thông tin từ vị thế của các ngân hàng (ví dụ: đầu tư, nợ, rủi ro ngoại hối, v.v.) và nền tảng Lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp. Sự tiện lợi và hiệu quả mà nền tảng này mang lại sẽ khuyến khích các khách hàng doanh nghiệp lựa chọn Techcombank làm ngân hàng giao dịch chính (MOA), từ đó giúp thúc đẩy số dư CASA của Ngân hàng.
GIẢI THƯỞNG VÀ CÁC GHI NHẬN KHÁC
Techcombank được FinanceAsia trao giải Ngân hàng tốt nhất Việt Nam và Ứng dụng công nghệ sáng tạo nhất Việt Nam. Những giải thưởng này khẳng định vị thế của Techcombank với tư cách là ngân hàng tốt nhất dành cho khách hàng bán lẻ tại Việt Nam, mang đến những đề xuất sáng tạo và phù hợp cho khách hàng, được hỗ trợ bởi công nghệ và chuyển đổi đám mây.
Các giải thưởng khác giành được trong quý 2/2023:
- The Asian Banker: Ngân hàng giao dịch và quản lý tiền mặt tốt nhất Việt Nam và Giải pháp quản lý thu nợ tốt nhất qua Tài khoản định danh cho các giải pháp thương mại hàng đầu
- Hạng mục Doanh nghiệp lớn số 1, Nơi làm việc xuất sắc nhất Việt Nam, được chứng nhận bởi Great Place to Work về văn hóa và môi trường làm việc chuẩn quốc tế, nơi nhân viên có thể phát triển và đóng góp vào thành công của Ngân hàng cũng như sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương
- Giải thưởng Ngân hàng gắn kết Khách hàng xuất sắc nhất Châu Á được công nhận bởi Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC).