Save money for the rainy days - Để dành tiền cho những “ngày mưa”. 


Câu thành ngữ tiếng Anh dường như đã trở thành chân lý trong tình hình kinh tế bất ổn hiện tại. Đúng là có đi qua những ngày mưa, mới biết yêu hơn những ngày nắng. Vậy nên, việc lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và phòng bị cho những “ngày mưa” chắc chắn không bao giờ thừa. 

Hãy thử nhìn trong khoảng 5 năm trở lại đây, bạn đã chi tiêu như thế nào? Đã tiết kiệm được bao nhiêu?  
Nếu trước đây, bạn thường “vung tay quá trán” thì giờ đây, bạn sẽ cần phải cân nhắc:  

1/ Phân loại các khoản chi tiêu theo thứ tự ưu tiên giảm dần: 

  • Chi tiêu thiết yếu: ăn uống, di chuyển, điện nước, nhà cửa,…  
  • Chi tiêu tài chính: trả nợ thẻ tín dụng, trả góp,… 
  • Chi tiêu cá nhân: xem phim, du lịch, mua sắm,… 

Và hãy nghiêm túc cắt thẳng tay những khoản chi tiêu cá nhân mang tính chất ‘nice-to-have’ (có thì tốt, mà không có cũng chẳng sao, ví dụ trà sữa). Hạn chế các hoạt động giải trí và mua sắm lúc này, bạn sẽ có thêm dòng tiền để dự phòng cho bất ổn trước mắt. 
Ngoài ra, nếu thu nhập bị giảm 20%, các khoản chi tiêu cũng nên giảm theo tỉ lệ tương ứng.

2/ Lập quỹ dự phòng khẩn cấp – chính xác là để dành tiền cho những “ngày mưa”. Bạn có thể tham khảo một cách xác định số tiền cần có cho quỹ dự phòng khẩn cấp* như sau: 

  • Nếu bạn chỉ có 1 nguồn thu nhập, bạn cần có quỹ dự phòng đủ trang trải cho 6 tháng sinh hoạt. Ví dụ, bạn đang là một dân FA chính hiệu, chi tiêu mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Vậy bạn sẽ cần có 30 triệu đồng trong quỹ dự phòng này.
  • Nếu bạn có từ 2 nguồn thu nhập trở lên, quỹ dự phòng này chỉ cần đủ cho 3 tháng sinh hoạt. Thử tưởng tượng, bạn và người thương trong trạng thái “một túp lều tranh, hai nguồn thu nhập”. Mỗi tháng chi tiêu hết 10 triệu đồng cho các khoản nhà cửa, mua sắm, uống trà sữa, vân vân và mây mây. Các bạn sẽ cần dành ít nhất 30 triệu đồng cho quỹ này.  

Cũng đáng để bạn cân nhắc đúng ko?

3/ Một sự thật là bạn không thể dừng chi tiêu, do đó, việc chi tiêu lúc này cũng cần có chiến lược. Hãy tận dụng tối đa các chương trình khuyến mãi từ các nhà bán lẻ hoặc ưu đãi thanh toán từ dịch vụ thẻ ngân hàng hay các ví điện tử khi mua sắm cũng không phải là một ý tồi. 

Sau cơn mưa, trời lại sáng. Song điều quan trọng nhất là bạn luôn tự chủ được tài chính của mình. 

Nếu bạn thấy những thông tin trên hữu ích, hãy lưu lại để thực hành và chia sẻ đến bạn bè của mình nhé.

(*) Theo Certified Financial Planner Board of Standards (Tiêu chuẩn chứng nhận hoạch định tài chính)