Bức tranh tăng trưởng tín dụng 2014 của các ngân hàng đang rõ hơn từng ngày khi cuối tháng 9-2014, Ngân hàng Nhà nước công bố tín dụng đã đạt mức tăng trưởng 7,26% so với thời điểm cuối năm 2013. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng 12-14% cho toàn hệ thống, còn khoảng 5-7% nữa.

Mặc dù so với cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất nhìn chung đã giảm 0,5-1,5% (thống kê của NHNN), song nhiều nhận định vẫn cho rằng, lãi suất có thể giảm thêm do chỉ còn 3 tháng cuối, ngân hàng nào cũng muốn đẩy mạnh tín dụng để đảm bảo lợi nhuận

Vẫn còn cơ địa giảm lãi

Thống kê của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2014 cho biết, lãi suất huy động VND phổ biến kỳ hạn 6 tháng đã giảm từ mức 7,2%/năm ở thời điểm cuối năm 2013 xuống còn 5,5%  ở thời điểm hiện tại. Lãi suất cho vay trong giai đoạn trên cũng giảm từ 0.5-1,5%/ năm.

Trên nhiều phương tiện truyền thông, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng lãi suất vay vẫn có cơ địa giảm thêm, mặc dù mức lãi suất hiện tại đã được xem là quá tốt trong 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do lãi suất huy động có thể sẽ được thả nổi trong thời gian tới, khi càng về cuối năm, áp lực lỗ - lãi của ngân hàng càng lớn. Chưa kể, với tình trạng thừa vốn trầm trọng ở nhiều ngân hàng hiện tại thì vẫn có thể giảm lãi suất huy động thêm 1 -2%, và lãi vay theo đó cũng giảm theo.

Hiện tại, lãi huy động đã xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, với các kỳ hạn dưới 1 năm, có nhiều ngân hàng chỉ áp mức 4,5-5%/năm, mức lãi suất cao nhất ghi nhận được cũng chưa đầy 7%/năm cho các kỳ hạn dài trên 1 năm. Nhiều chuyên gia khác cũng khẳng định, mặc dù đã được xem là “lý tưởng”, song lãi suất cho vay có thể sẽ giảm thêm ít nhất khoảng 1% trong vài tháng tới do áp lực đẩy vốn của các ngân hàng.

Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài quý IV/2014 do NHNN thực hiện vừa mới công bố cũng ghi nhận có đến 90% tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay được các tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ giảm nhanh và giảm sâu hơn lãi suất huy động.

Tín dụng sẽ tăng bền vững hơn

Hiện tại, nhiều tổ chức tín dụng đang mở ra các gói kích cầu vay tiền, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: sản xuất kinh doanh, bất động sản, tiêu dùng… Phía doanh nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy, những khó khăn đó đang lùi dần và doanh nghiệp đang dần khỏe lên dựa trên những kế hoạch kinh doanh thận trọng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm nhẹ, song xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng rất tốt. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu đã tăng 13,2% và nhập khẩu tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đáng nói là xuất siêu lần đầu tiên đạt gần 1 tỷ USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong các tháng qua cũng tăng mạnh, đặc biệt kể từ quý II/2014 với mức 6,4% (cùng kỳ năm 2013 tăng 5,4%).

Từ những thuận lợi trên, NHNN cho rằng, mục tiêu tăng tín dụng 12-14% của năm 2014 là không quá khó. Kết quả điều tra cũng cho thấy 90% các tổ chức tín dụng tin rằng họ sẽ đạt mục tiêu tăng tín dụng của cả năm vào khoảng 14,5% (bình quân cả hệ thống). Ngoài ra, dư nợ tín dụng VND tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn dư nợ tín dụng ngoại tệ.

Những tháng cuối năm, mặc dù kỳ vọng tín dụng sẽ tăng kịp chỉ tiêu, song NHNN cho biết tiếp tục điều điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế.