Quá trình hội nhập sâu rộng đang đòi hỏi sự bắt tay của các tổ chức tài chính-ngân hàng cùng doanh nghiệp hướng tới các lợi ích chung. 

Cơ hội đến từ thách thức

Tính đến tháng 9 năm 2015, Việt nam đã tham gia đàm phán tổng cộng 15 Hiệp định Thương mai tự do (FTA). Riêng năm 2015, quá trình hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết ngày 5/10 vừa qua, đồng thời, các FTA hoàn thành bước cắt giảm theo lộ trình…

Trong lĩnh vực ngân hàng, hiện nay giới hạn tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 30% nhưng khi AEC được hình thành, theo lộ trình các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu của nước ngoài có thể lên đến 70%.

So với các nước thành viên TPP, thị trường dịch vụ tài chính của Việt Nam còn đang ở giai đoạn bắt đầu phát triển, do vậy, áp lực cạnh tranh là không nhỏ khi các công ty nước ngoài tiếp cận và tham gia thị trường Việt Nam.Dịch vụ tài chính cũng là lĩnh vực đàm phán được các nước TPP đặc biệt quan tâm, kỳ vọng đưa TPP trở thành hiệp định tự do hóa của thế kỷ 21 với những cam kết sâu rộng về tiếp cận thị trường trên các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.

Theo điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chỉ có trên 32% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Chính điều này sẽ tăng cơ hội cho các ngân hàng quốc tế tiếp cận thị phần khách hàng trong nước, từ đó ảnh hưởng tới thị trường tiềm năng của các ngân hàng Việt Nam.

Thiết lập mối quan hệ “Win-win”

Áp lực cạnh tranh mới đòi hỏi các ngân hàng trong nước cần tập trung thiết lập mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với doanh nghiệp nếu không muốn thất bại trên chính “sân nhà”.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn xu thế chạy theo cơ chế ưu đãi lãi suất và các điều kiện cho vay hoặc cam kết vốn đơn thuần, tới khi hết các ưu đãi thì sự gắn kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng cũng chấm dứt.Ở các thị trường tài chính phát triển, doanh nghiệp có thể “lớn lên” cùng với đối tác ngân hàng của họ, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thường kéo dài nhiều năm, có thể là cả “vòng đời” của doanh nghiệp.

Kết quả là cả hai phía đều chưa tạo ra được các lợi ích chung của sự hợp tác bền vững.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng: “Nếu doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian quan hệ đủ dài để ngân hàng sẽ hiểu đặc thù doanh nghiệp hơn, nắm được các kế hoạch sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các tư vấn và quy trình xử lý nghiệp vụ nhanh hơn, giúp doanh nghiệp cùng phát triển”.

Hiện nay, thay vì ngồi đợi đối tác tìm đến vay vốn, Techcombank đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp, tìm hiểu và nhận biết nhu cầu của họ để thiết kế và cho ra đời các sản phẩm “may đo” đáp ứng sát nhu cầu của các doanh doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh đã được chuyển đổi từ sản phẩm là trung tâm sang khách hàng là trung tâm.

Bên cạnh các sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp, Techcombank đã thiết kế thêm nhiều sản phẩm, chương trình chuyên biệt cho từng đối tượng đặc thù theo từng nhóm ngành nghề kinh doanh như nhựa, dược và vật tư y tế, giấy, may mặc, phụ trợ dầu khí, xăng dầu,…rất được thị trường chú ý.

Các sản phẩm này mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp mà trước hết là mở rộng cửa vay vốn thông qua việc tạo sự linh hoạt về tài sản bảo đảm.
 

NGỮ LÂM
Theo Báo Đất Việt