Bất kể những bất ổn trên biển Đông cùng những căng thẳng chính trị tại châu Á, Trung Đông và Ucraina – những điều khiến nhiều tổ chức quốc tế giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu – GDP Việt Nam trong 6 tháng qua vẫn tăng trưởng khá, với mức tăng 6 tháng đầu năm 2014 đạt 5,2%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước.
Nhiều thông tin tích cực
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, GDP theo quý tiếp tục xu hướng tăng kể từ quý 2-2013 đến nay. Chưa tính đến hệ quả của vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD-981 trên biển Đông, đồng thời loại trừ yếu tố mùa vụ, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam sẽ vào khoảng 5,7-5,8%.
Trong 6 tháng qua, Tổng Cục Thống kê cho biết, xuất nhập khẩu đã tăng khá mạnh với mức tăng đạt 14,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đến hết tháng 6 là gần 71 tỷ USD, trong đó xuất siêu hàng hóa của Việt Nam lần đầu tiên lên đến 1,3 tỷ USD. Trên bình diện sản xuất nói chung, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng qua cũng đạt mức tăng trưởng tốt với 5,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 5,3% của 6 tháng đầu năm 2013 so với 2012. Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu thoát khỏi đáy năm 2012 và đang có những bước đi lên tích cực. Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng qua cũng được kiểm soát ở mức tăng 1,38%, thấp nhất trong nhiều năm qua, và do đó, áp lực về lạm phát là không đáng kể. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn mức tăng 4,9% của cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ sức mua đang dần được cải thiện.
Tỷ giá và lãi suất cũng không phải là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam trong 6 tháng qua. Mặc dù đã được điều chỉnh lên 1% vào ngày 19-6, song Ngân hàng Nhà nước khẳng định tỷ giá sẽ vẫn nằm trong vòng kiểm soát, nhất là khi dự trữ ngoại tệ vẫn dồi dào. Lãi suất ổn định ở mức thấp trong nhiều tháng qua trên cơ sở ưu tiên cho sản xuất – xuất khẩu.
Vẫn lo ngại về dài hạn
Mặc dù vậy, về dài hạn, kinh tế vĩ mô vẫn cần được xem xét một cách thận trọng hơn, đặc biệt với những nhà đầu tư, trước khi họ quyết định chọn kênh đầu tư nào ổn định. Ngoài những thuận lợi, một số khó khăn về vĩ mô cũng đang dần lộ rõ. Trước hết, tổng cầu yếu và chi phí đầu vào vẫn tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang khó khăn trong hoạt động. Trong nửa đầu năm 2014, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoài, thêm vào đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm trên 4%, khu vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn và chưa có nhiều cải thiện.
Tăng trưởng tín dụng đạt thấp tiếp tục là điều cần quan tâm của các nhà quản lý, khối ngân hàng lẫn các doanh nghiệp. Đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ đạt 2%, chứng tỏ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang yếu ớt, mặc dù lãi suất cho vay đã hạ rất nhiều. Nợ xấu vẫn còn là nỗi lo khi những nỗ lực giải quyết chưa mấy hiệu quả, trong đó, hoạt động xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn chưa hiệu quả và trong nửa đầu 2014, Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục hoãn thông tư 02 về phân loại nợ xấu để các tổ chức tín dụng có thời gian cải thiện.
Hiện tại, Chính phủ lẫn các Bộ, ngành đều đang tập trung sức lực để cải thiện kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư, trong đó có tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các tập đoàn và ngân hàng. Mọi việc vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên, tốc độ khá chậm.
Một điều khác cần phải quan tâm là những căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Nam – Trung Quốc. Ngoài vấn đề chính trị, phải thừa nhận, Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc dưới góc độ kinh tế, thể hiện qua nhiều mặt: xuất nhập khẩu hàng hóa, xây dựng hạ tầng, đầu tư… và nếu căng thẳng biển Đông tiếp tục leo thang, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu tác động lớn nếu phía Trung Quốc sử dụng các đòn kinh tế để trả đũa.
Trong khi Chính phủ Việt Nam khá lạc quan trong dự đoán rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,7-5,8% trong năm 2014, song Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) lại chỉ đưa ra con số 5,4%. Thậm chí, đến tận năm 2016, nếu không có những thay đổi đáng kể, kinh tế Việt Nam cũng khó tăng cao hơn mức 5,6%. Lý giải điều này, các chuyên gia của WB cho rằng, những nguyên nhân chính vẫn nằm ở chỗ: nợ xấu ngân hàng chưa được giải quyết hiệu quả, tín dụng tăng thấp, cầu trong nước yếu, chi tiêu công cao, niềm tin doanh nghiệp còn yếu… Mặc dù vậy, WB cũng cho rằng, nếu Chính phủ tập trung giải quyết rốt ráo các vấn đề căn bản, thì tiềm lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm tới có thể vượt xa con số 5,4%. Thêm một điều nữa là những nhận định của WB dựa trên quan điểm là căng thẳng giữa Việt Nam – Trung Quốc không trầm trọng thêm, bởi quan hệ thương mại giữa 2 bên là rất khăng khít, trong đó Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc khá nhiều, nên nếu tranh chấp không được giải quyết thì về lâu dài, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.