Từ năm 2013 đến nay, khi lãi suất huy động giảm, kinh tế khó khăn, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân… chọn kênh đầu tư trái phiếu để bảo toàn nguồn vốn và hưởng một mức lãi suất ổn định. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, dòng tiền chảy vào trái phiếu khá nhiều đã khiến lãi suất trái phiếu không còn hấp dẫn như trước nữa.

Lãi suất giảm

Cụ thể, trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống chỉ còn 5,58%/năm, được xem là thấp nhất trong vòng mấy năm trở lại đây. Trong tuần từ ngày 5 – 9/5, số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, lãi suất trái phiếu trong 2 phiên đấu thầu trái phiếu của Kho bạc nhà nước cũng chỉ đạt mức lãi suất 5,58%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 2 năm; 6,07%/năm cho kỳ hạn 3 năm và 7,11%/năm đối với kỳ hạn 3 năm. Như vậy, chỉ nói riêng kỳ hạn 2 năm, lãi suất trái phiếu đã giảm từ khoảng 6,5%/năm xuống còn 5,58%/năm, một khoảng cách khá lớn.

Hiện tại, một số nhóm nghiên cứu từ các ngân hàng lớn đưa ra đánh giá, lãi suất trái phiếu sẽ có cơ hội tăng trở lại, dù cơ hội là không lớn và mức tăng được cho là sẽ không cao. Nguyên nhân là vì, trong các phiên đấu thầu gần đây, khối lượng trái phiếu bán ra giảm mạnh khiến nhiều nhận định cho rằng, lãi suất trái phiếu sẽ phải đi lên để thu hút thêm nhà đầu tư. Thêm nữa, gần đây, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng nhanh, hỗ trợ cho lãi suất trái phiếu tăng theo.

Tuy nhiên, thông điệp của Chính phủ trong kỳ họp báo tháng 4 vừa qua phát đi lại khẳng định, lãi suất ngân hàng có thể giảm thêm để đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn. Điều này lại là một trở ngại cho việc phục hồi của lãi suất trái phiếu. Từ đó, có thể thấy, ít nhất trong ngắn hạn, lãi suất trái phiếu có thể vẫn giữ ổn định ở mức thấp.

Cân nhắc khi đầu tư trái phiếu

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình trạng ứ đọng vốn của các ngân hàng khi tín dụng tăng trưởng khó khăn trong thời gian qua đã khiến nhiều ngân hàng chọn kênh đầu tư trái phiếu để bảo toàn vốn và có lợi nhuận, đặc biệt là với những ngân hàng lớn. Thậm chí, với mức lãi cho vay ngày càng giảm (có nơi cho khách hàng thân thiết vay chỉ với 5-5,5%/ năm) thì việc mua trái phiếu với lợi tức chỉ 5 – 6%/ năm cũng vẫn là lựa chọn tốt.

Tổng hợp từ các Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, từ cuối tháng 4 đến nay, giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp khá trầm lắng. Chẳng hạn, trong tuần đầu tháng 5, giá trị giao dịch bình quân tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ đạt hơn 1,6 ngàn tỷ đồng/phiên, giảm gần 30% so với các tuần trước đó. Tính chung từ đầu tháng 4-2014 đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp giao dịch khá èo uột với mức thanh khoản trung bình, nguồn cung không tăng.

Tuy vậy, tính an toàn và ổn định của kênh đầu tư trái phiếu vẫn được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao dù lãi suất không như kỳ vọng. Chính vì vậy, sự cân nhắc nên hay không nên đầu tư trái phiếu trong giai đoạn này thuộc về đánh giá chủ quan nhiều hơn. Lãi suất được nhận định là sẽ đi ngang, do đó, với những nhà đầu tư chưa có kênh đầu tư nào khả quan hơn thì thị trường trái phiếu vẫn là nơi đáng xem xét. Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4-2014 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia mới công bố gần đây cũng nhận định, chỉ số CDS (phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu Chính phủ) cũng liên tục giảm, đặc biệt là với kỳ hạn 5 năm.