Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc Techcombank (TCB) - chia sẻ câu chuyện về định hướng chiến lược của Ngân hàng sau 25 năm liên tục phát triển. Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc Techcombank (TCB) - chia sẻ câu chuyện về định hướng chiến lược của Ngân hàng sau 25 năm liên tục phát triển.
Lợi nhuận chưa phải là điều tự hào nhất
Năm 2018, TCB đã vươn lên dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân về lợi nhuận và đứng thứ ba toàn hệ thống. Mọi chỉ số tài chính của TCB đều rất tốt. Hẳn đây là điều khiến ông tự hào nhất sau 25 năm phát triển của TCB?
Mỗi chu kỳ tài chính của một đất nước thường kéo dài 7-10 năm, tồn tại qua 3 chu kỳ - với một ngân hàng - tự đó đã là một thành công. Với TCB, sau 25 năm, nếu so sánh với các ngân hàng cùng xuất phát điểm, chúng tôi có thể tự hào rằng mình ngang hàng thậm chí vượt trội hơn ở một số điểm để có thể đứng trong hàng ngũ những ngân hàng tốt nhất của Việt Nam.
Nói về các con số như lợi nhuận, vốn chủ sở hữu, tiềm lực tài chính… hiện nay, nếu nhân cách hóa, TCB gống như một chàng thanh niên 25 tuổi đầy sức mạnh, đầy nhiệt huyết. Tất cả các cán bộ, nhân viên của TCB đều tin tưởng vào tương lai, vào tổ chức hệ thống, vào khả năng phát triển và sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức có thể có trong thời gian tới. Vì vậy, điều làm tôi tự hào nhất về TCB bây giờ không phải là lợi nhuận mà là chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ giỏi, tâm huyết, khao khát xây dựng giá trị cho tổ chức và đóng góp cho cộng đồng. Đây là tài sản lớn nhất của TCB.
Đâu là nguyên tắc xuyên suốt đã tạo nên giá trị của TCB, thưa ông?
Nhiều thành viên Hội đồng Quản trị TCB hiện nay đều đã gắn bó lâu dài cùng ngân hàng và là những người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tổ chức. Họ đều là những sinh viên Việt Nam xuất sắc từng du học ở Liên Xô trong thời kỳ đất nước này có nhiều biến động, thành thử họ nắm bắt được nhịp của sự thay đổi để ứng biến linh hoạt và có một tinh thần kiên định vượt qua mọi khó khăn để hướng đến mục tiêu lâu dài.
HĐQT rất kiên định trong thời kỳ khủng hoảng, đặc biệt là kiên định xóa hết nợ xấu để giúp ngân hàng có cơ hội phát triển, thay vì chia cổ tức để rút tiền ra. Không chỉ có vậy, HĐQT TCB luôn đầu tư cho tương lai. Chẳng hạn TCB là ngân hàng đầu tiên tập trung bỏ ra 5 triệu đô để mua hệ thống IT lõi cho ngân hàng vào năm 2002, chiếm đến khoảng 20% vốn điều lệ vào thời điểm đó. Và gần đây, HĐQT lại tiếp tục đầu tư khoảng 300 triệu đô để xây dựng và đẩy mạnh hơn nền tảng công nghệ thông tin nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược lâu dài của TCB.
Trong thời đại hiện nay, mức độ hội nhập cao và công nghệ 4.0 rất phát triển. Đâu là sự khác biệt của TCB so với các ngân hàng khác?
Ở đây vẫn là sự khác biệt về con người thôi. Dù là thời đại công nghệ nào thì con người vẫn là trung tâm của mọi thứ. Con người làm ra robot, con người điều khiển hệ thống, điều khiển công nghệ mới và xây dựng công nghệ mới. Do vậy, nếu không xây dựng được nền tảng nhân sự thì rút cuộc chúng ta sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ và ngược lại, nếu chúng ta xây dựng được con người, thì con người sẽ cai quản được công nghệ. Công nghệ chỉ là công cụ để mình làm việc.
Ông liên tục nhấn mạnh đến nền tảng con người. Nhưng tôi muốn hỏi bí quyết chiến lược nào đã khiến TCB trở nên vượt trội như hiện nay?
Câu trả lời của tôi vẫn là… con người. Chiến lược của TCB là tạo nên hệ thống có quy mô lớn nhưng dựa trên các nguyên tắc đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ tối đa con người trong lúc làm việc và khi đưa ra quyết định, rồi sau đó các hiệu quả kinh doanh sẽ đến.
Tất cả những gì ngân hàng làm là dịch vụ, thế thì cách thức chúng tôi phục vụ khách hàng như thế nào mới là quan trọng. Vì thế điều đầu tiên khi tôi về TCB là quy hoạch lại, đưa ra kế hoạch cụ thể cho những việc TCB làm, những dịch vụ nào cho những tầng lớp khách hàng khác nhau. Và trong mỗi kế hoạch đó, chúng tôi phải tìm hiểu sâu khách hàng cần những gì và làm đúng điều họ cần. Một khi đã hiểu rõ khách hàng, mình sẽ thấy công việc ngân hàng rất nhẹ nhàng. Vì vậy, bản chất chiến lược của TCB là thấu hiểu khách hàng để phục vụ họ, sau đó những chuyện khác sẽ tự động đến. Với cá nhân tôi, tôi hơi dị ứng khi người ta nhắc tới kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, vì thực ra ngân hàng không kinh doanh, không mua bán mà chỉ cung cấp dịch vụ.
Trọng trách nhiều, áp lực cao nhưng đồng nghĩa có thêm nhiều người giúp
Trong 25 năm qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây, TCB gần như lột xác. Việc “dọn” sạch nợ tại VAMC và niêm yết lên sàn có lẽ là hai dấu mốc đáng nhớ nhất gần đây. Ông có thể chia sẻ thêm về hai quyết định này của ngân hàng?
Bản chất của việc bán nợ xấu cho VAMC giống như mình phải đeo ba lô rất nặng nhưng có thêm tờ giấy chứng nhận ba lô rất nhẹ, còn thực chất nợ xấu vẫn nằm đó. Chính vì vậy, chúng tôi xác định, phải trích lợi nhuận của mình để xóa nợ xấu, khiến cho ba lô nhẹ thật. Có như vậy, ngân hàng mới đi xa hơn, nhanh hơn, và các nhà đầu tư mới yên tâm đi dài hơn với ngân hàng. Còn việc lên sàn, đương nhiên chúng tôi sẽ có thêm nhiều trọng trách, áp lực nhưng cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người giúp, đó chính là các nhà đầu tư.
Còn nếu nói về giá cổ phiếu, áp lực đối với chúng tôi là bằng không. Giá cổ phiếu là do người mua đi, người bán lại định giá, còn giá trị ngân hàng phụ thuộc vào chính thể lực của ngân hàng. Giống như khi bạn hoạt động trên facebook, có nhiều người nhấn nút like (thích) thì sẽ rất vui, nhưng nếu ít người like thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới giá trị của bạn.
Hiện ngân hàng đã niêm yết, các nhà đầu tư có thể sẽ không vui lắm nếu như TCB tiếp tục sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao?
Đợt IPO vừa rồi, tôi đã gặp nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới và họ hỏi tôi rất nhiều lần, rằng liệu họ có được chia cổ tức hay không? Tôi hỏi lại: “Các ông có tìm được nơi nào để đầu tư mà mỗi năm lợi nhuận từ 20-25% hay không?” Họ suy nghĩ một hồi lâu, và trả lời: “Không”.
Mỗi năm TCB tăng trưởng lợi nhuận trên 20% và được sử dụng để tái đầu tư. Có nghĩa là số vốn tiền của nhà đầu tư mỗi năm lại tăng giá trị thêm hơn 20% nữa, chỉ cần qua ba năm sẽ tăng gấp đôi, qua 5 năm sẽ tăng gấp ba, đây là mức sinh lời không nhỏ.
Từ năm 2015 đến nay, vốn chủ sở hữu của TCB tăng gần 3 lần, doanh thu tăng gấp đôi. Đó là những con số thể hiện rõ hiệu quả của việc tích lũy từ đầu tư. Đầu tư đã làm đòn bẩy cho tăng trưởng. Cũng giống như đi buôn phải có vốn, một ngân hàng muốn hoạt động được cần phải có dòng tiền để cho khách hàng vay. Đòn bẩy vốn làm nên sức bật và sự khác biệt của TCB. Tôi tin rằng, với đòn bẩy vốn hiện nay, khả năng sinh lời của TCB trong 2-3 năm tới sẽ tăng gấp 2-3 lần.
Không muốn TCB chỉ là thương hiệu của một ngân hàng
Như ông nói, TCB 25 tuổi đang là chàng thanh niên sung sức, không ngại ngần thách thức. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mãi giữ được phong độ đỉnh cao. TCB liệu có lo ngại một chu kỳ đi xuống?
Dĩ nhiên, chúng tôi không thể nói sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng sẽ cố gắng quản trị rủi ro chặt chẽ nhất. Ban lãnh đạo rất tâm đắc về mô hình và nguyên tắc làm việc “low risk, high return”, nghĩa là giảm thiểu rủi ro, đạt hiệu suất cao. Điều này nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng cũng không hẳn như vậy. Rủi ro thì bất cứ chỗ nào cũng có, chỉ khi luôn suy nghĩ một cách chín chắn, có sự lường trước và chuẩn bị sẵn sàng để xử lý các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn thì khả năng thành công mới cao được. TCB là một trong số ít ngân hàng không có nghề “tay trái” mà chỉ chú trọng vào hoạt động ngân hàng. Chính vì vậy, những ảnh hưởng, rủi ro từ bên ngoài tác động đến là rất thấp.
Gần đây, trong các chương trình thể thao lớn mà TCB đồng hành như TCB Ironman, TCB Marathon TP HCM… cụm từ “Cùng nhau vượt trội hơn mỗi ngày” liên tục được nêu lên. Đây được biết là định vị thương hiệu mới của TCB. Vì sao lại là lúc này, thưa ông?
Mọi người đã biết đến TCB là một ngân hàng, điều đó rất tốt. Thế nhưng, chúng tôi muốn TCB không chỉ là thương hiệu của một ngân hàng dẫn đầu, mà còn có nhiều giá trị bền vững hơn, đại diện cho một ý chí, khát vọng, tinh thần lạc quan và tự lập của người Việt Nam. Một định vị thương hiệu mới có thể gắn kết và tương tác với mọi người dân, với toàn xã hội chính là mong muốn của chúng tôi khi lựa chọn định vị thương hiệu “Vượt trội hơn mỗi ngày” trong thời điểm này.
Trong quá trình nghiên cứu để tái định vị thương hiệu, chúng tôi nhận thấy rằng, đa số người dân của Việt Nam còn rất trẻ, luôn lạc quan, tin tưởng vào tương lai và có tinh thần tự lập cao. Tuy vậy, để có thể thành công, đi xa hơn, đi nhanh hơn thì ai cũng cần có người hỗ trợ. TCB muốn là tổ chức có khả năng giúp đỡ và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn đạt được những mục tiêu cao, vượt trội hơn. TCB là tổ chức giúp họ mơ ước lớn hơn, đạt được mục tiêu cao hơn vì TCB có thể là nguồn lực đứng sau hỗ trợ họ đạt được điều đó thông qua những dịch vụ của mình. Chẳng hạn, TCB có thể cung cấp các tư vấn tài chính giúp các chủ đầu tư có khả năng đầu tư chính xác hơn; cung cấp các dịch vụ toàn diện để những bạn trẻ có giấc mơ cao hơn, xa hơn. Đó là tinh thần của thương hiệu “Vượt trội hơn mỗi ngày”.
Ông hình dung thế nào về TCB 30 tuổi?
Chắc chắn là tráng kiện hơn và vượt trội hơn. Trong 5 năm tới, những gì TCB đang xây dựng nền tảng hiện nay sẽ bắt đầu có kết quả và đi vào chiều sâu hơn. Chẳng hạn như, Ngân hàng Nhà nước mong muốn hệ thống tài chính Việt Nam thay vì dựa vào dòng tiền của các ngân hàng đem cho vay, thì các ngân hàng nên phát hành trái phiếu nhiều hơn để đưa ra thị trường tài chính bên ngoài. Điều đó có nghĩa là tổng dư nợ của đất nước sẽ thông qua trái phiếu.
Để đạt được điều đó thì TCB bây giờ phải rất mạnh tay trong việc xây dựng hệ thống, xây dựng con người, đồng thời thiết lập những mối quan hệ trong nước và ngoài nước để thị trường tiêu thụ được các khoản trái phiếu. Có nghĩa là, TCB phải từng bước thực hiện tạo dựng thị trường, và khi thị trường đa dạng hơn thì chiều sâu của thị trường sẽ tốt hơn. Hiện tại, TCB đã bắt tay làm những điều đó, và 5 năm nữa, khi hệ thống và các mối quan hệ bắt đầu lớn đủ thì guồng máy của mình sẽ chạy được.
Xin cảm ơn ông!