Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng chút ít từ sự cố Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại biển đông, trong 7 tháng đầu năm 2014, thị trường BĐS vẫn được xem là thị trường có nhiều khởi sắc trong các kênh đầu tư. Có thể thấy điều này qua việc các dự án BĐS liên tục được chào bán, đồng thời các thương vụ M&A (mua bán, sáp nhập) trên thị trường này trở nên sôi động.
Thêm vào đó, nguồn vốn dồi dào từ nhiều phía cũng là đòn bẩy tốt của BĐS trong những tháng cuối năm.
Sức mua tăng
Tại thị trường TP. HCM, sự cải thiện nhanh chóng về hạ tầng trong vòng 2 – 3 năm gần đây đã tạo động lực lớn cho việc phát triển các dự án BĐS. Một số công trình lớn hoàn thành, như: đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Giầu Dây; đại lộ Võ Văn Kiệt; đại lộ Phạm Văn Đồng; cầu Sài Gòn mới; hầm Thủ Thiêm… thực sự đã tiếp thêm sức mạnh cho các khu vực hướng Đông (Thủ Đức; quận 2; quận 9) và phía Nam (Bình Chánh; Nhà Bè và các quận 6,7,8).
Nhiều dự án đã mạnh dạn đẩy nhanh tiến độ để chào bán và trên thực tế, sức mua đã cải thiện đáng kể. Điển hình như Him Lam Riverside; Sunrise City; Lexington Residence; Phước Long Spring; Nhân Phú; Mega Resdence … Thông tin từ Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết, thị trường BĐS tại TP. HCM đã và đang có sự hồi phục đáng kể trong những tháng gần đây. Chưa thể nói thị trường đã hoàn toàn “khỏe mạnh” trở lại, song thị trường đã sôi động hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2013. Thậm chí, một số dự án đã tăng nhẹ giá bán từ 2% - 10% so với đầu năm 2014 do tin tưởng vào sức mua của thị trường, như: Lexington Residence; Vista Verde hay The Vista.
Tương tự, thị trường Hà Nội cũng được đánh giá là ấm hẳn lên với lượng giao dịch tăng ở cả 3 phân khúc: cao cấp, trung cấp và căn hộ bình dân. Và kể từ quý 2, thị trường sôi động hẳn lên nhờ nhiều dự án chào bán lại cũng như các dự án mới, như: The Premier tại Cầu Giấy; Gamuda Gardens của Gamuda Land; Lâm Viên của Viglacera Land hay FLC Complex 36 - Phạm Hùng…
Ngoài ra, các dự án cung cấp nhà ở và căn hộ với mức giá khá mềm, như: Văn Phú Victoria , Golden Silk, VP 6… được đánh giá là tạo động lực lớn cho thị trường BĐS Hà Nội nhờ ưu điểm đánh trúng tâm lý khách hàng, giá rẻ và khả năng đầu tư cao.
Nguồn cung tiền dồi dào
Báo cáo mới nhất của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định về tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm 2014 đã đánh giá thị trường BĐS là một trong những điểm sáng của năm 2014. Theo đó, hàng tồn kho BĐS đang giảm mạnh nhờ sức mua tăng, dù nguồn cung không giảm do nhiều chủ dự án vẫn liên tục mở các phiên chào hàng. Bộ Xây dựng tính toán, tổng giá trị hàng tồn kho BĐS tính đến tháng 6 đã giảm 23% so với thời điểm cuối năm 2013, tức từ 108,5 ngàn tỷ đồng xuống còn 83,5 ngàn tỷ đồng.
Đánh giá từ phía các công ty nghiên cứu thị trường BĐS, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, BĐS có thể là kênh đầu tư khá tốt trong nửa cuối 2014, quan trọng nhất là do các kênh cung vốn đang “mở” rất lớn cho thị trường này.
Trong đó, nguồn cung vốn quan trọng nhất là khối ngân hàng. Hiện tại, ngân hàng không còn chủ trương hạn chế cho vay BĐS nữa, thay vào đó là các biện pháp khuyến khích như giảm lãi suất, tinh gọn thủ tục. Gói cho vay ưu đãi BĐS trị giá 30 ngàn tỉ đồng thậm chí có lại suất thấp hơn cả năm 2006. Một bất ngờ khác la nguồn vốn FDI trong những tháng đầu năm 2014 dành đến 10% trong tổng số 5,7 tỉ USD cho lĩnh vực BĐS, theo thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá khá cao sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường này, do đó đổ khá nhiều vốn vào các thương vụ M&A trên lĩnh vực BĐS, cụ thể là các thương vụ như Tung Shing của Hồng Kông mua cổ phần khách sạn Movenpick Sài Gòn; Lotte Mart của Hàn Quốc đã mua lại Pico Plaza ; Sun Wah Việt Nam đầu tư vào dự án Bay Water; PPI bán dự án Water Garden của cho Tập đoàn Đất Xanh.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các nguồn vốn khác đã và đang chọn BĐS làm kênh đầu tư như kiều hối, tiên gửi tiết kiệm, tiền từ thị trường chứng khoán… thậm chí, nguồn tiền xử lý nợ cũng được cho là sẽ tác động đến BĐS thông qua các nỗ lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng.