Mặc dù trước nay, thị trường trái phiếu Việt Nam chưa hẳn được đánh giá là hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy vậy, những gì diễn ra từ đầu năm 2014 đến nay cho thấy, trong khi các kênh đầu tư khác gặp nhiều khó khăn, thì trái phiếu lại trở thành kênh tăng trưởng mạnh nhất.

Nhiều dự báo cho rằng, điều này vẫn đúng trong những tháng còn lại của năm 2014 với 2 lý do: thứ nhất, thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn do các tổ chức tín dụng muốn kiếm lãi từ thị trường này khi tín dụng gặp khó khăn; thứ hai, về phía các nhà đầu tư thứ cấp, khi lãi suất huy động, vàng hay USD sinh lợi kém thì trái phiếu lại nổi lên như một kênh đầu tư khá tốt và chắc chắn, dù khó sinh lời trong ngắn hạn.

Lối thoát cho tín dụng?

Phiên mở thầu trái phiếu Chính phủ diễn ra vào cuối tháng 7-2014 do Kho bạc Nhà nước Việt Nam phát hành thông qua đơn vị đấu thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ghi nhận kỷ lục đặt thầu với số tiền lên đến 20 ngàn tỉ đồng, trong khi lượng phát hành chỉ có 8 ngàn tỉ. Tính từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7, gần 150 ngàn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ đã được huy động trên thị trường, gấp 1,5 lần so với cả năm 2013. Lần mở thầu cuối tháng 7 qua, Chính phủ cũng đã bán hết 8 ngàn tỉ đồng trái phiếu cho cả 4 kỳ hạn: 2 năm; 3 năm; 5 năm và 10 năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2014 đạt khoảng 5,8% thì Bộ Tài chính có thể cho phép lượng tiền phát hành trái phiếu vào khoảng gần 300 ngàn tỉ đồng. Hiện tại, thực tế cho thấy nhóm các ngân hàng thương mại vẫn là những nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu Chính phủ trong những tháng qua. Nếu trong những tháng còn lại, Bộ Tài chính mạnh tay phát hành hết “room” trái phiếu cho phép thì khả năng, nhóm các ngân hàng này vẫn mạnh dạn mua vào trái phiếu Chính phủ, một lượng tiền lớn sẽ được Chính phủ thu vào và thông qua các kênh cấp vốn, nếu số tiền này được đẩy ra thị trường trở lại thì tín dụng ngân hàng không cần phải đạt từ 12-14%, tăng trưởng GDP vẫn sẽ đạt mục tiêu đề ra như dự kiến. Mặc dù có nhiều lo ngại về việc sẽ giải quyết nguồn tiền từ trái phiếu ra sao cho hợp lý và hiệu quả, nhưng không thể phủ nhận là trước mắt, thị trường trái phiếu chính là một kênh an toàn để các ngân hàng trú ngụ về vốn và giải tỏa bớt áp lực trong thời điểm kinh tế khó, tăng tín dụng chậm chạp. Và do đó, thị trường này dự đoán sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Vẫn là kênh sinh lãi

Tùy từng phiên đấu thầu và tùy kỳ hạn, lãi suất trái phiếu có sự chênh lệch nhỏ. Hiện tại, thống kê của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, lãi suất trái phiếu Chính phủ ở những phiên đấu thầu mới nhất vào khoảng 5,08%/ năm; khoảng 5,08%/năm, 3 năm trong khoảng 5,42%-6%/năm, 5 năm trong khoảng 6,37%-7,26%/năm, 10 năm là 7,8%-8%/năm.

Trước mắt, thị trường trái phiếu thứ cấp vẫn được đánh giá là chưa thực sự phát triển như các nước trong khu vực. Lãi suất trái phiếu ở thị trường thứ cấp hiện tại cũng được xác định là tương đương với  thị trường sơ cấp. Ở mức lãi suất này, với những năm trước, khó mà nói rằng trái phiếu sẽ là một kênh đầu tư sinh lợi lớn. Tuy nhiên, 2 – 3 năm gần đây, đặc biệt từ đầu 2013 đến nay, khi lãi suất huy động vốn từ phía các ngân hàng liên tục giảm mạnh, các kênh kiếm tiền khác như bất động sản, vàng, USD đầy rủi ro, thì trái phiếu lại nổi lên như một kênh trú ẩn an toàn. Nguyên nhân vẫn nằm ở chỗ, những dự đoán về kinh tế vĩ mô trong 2 – 3 năm nữa vẫn nằm ở chỗ “ổn định đi lên nhưng không nhiều đột phá”, do đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chọn trái phiếu để “cất vốn” và sẽ tung ra kiếm lãi nếu thị trường thứ cấp phát triển mạnh trong thời gian tới. Thêm nữa, lãi suất huy động lẫn cho vay ở Việt Nam nhiều năm qua vẫn được đánh giá là cao so với mặt bằng chung khu vực, do đó khả năng lãi suất huy động tăng cao như trước là khá thấp. Măt khác, điều hành lãi suất ngân hàng ở mức thấp, nhu cầu vốn cho hạ tầng tăng mạnh, sàng lọc và tái cấu trúc nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ... Cộng hưởng các yếu tố trên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động. Dự kiến, trong quý 3- 2014, khoảng 50 ngàn tỉ đồng sẽ được tiếp tục huy động trên thị trường này.