Techcombank giữ vị trí số 1 ở nhiều chỉ tiêu tại Việt Nam với mô hình kinh doanh riêng...
Cách đây hai năm, lần đầu tiên sau hơn hai chục năm có mặt trên thị trường, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chủ động tiếp xúc với báo chí sau khi kết thúc năm tài chính.
Lần tiếp xúc đó, toàn bộ ban lãnh đạo Techcombank, phụ trách từng lĩnh vực chiến lược, tài chính, đầu tư, bán lẻ, nhân sự… đều có mặt.
Lần đầu "cởi áo"
Đó cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam từ trước đến nay, một ngân hàng thương mại tập hợp tất cả nhân sự lãnh đạo điều hành đối thoại với báo chí; đề cập đến mảng nào, người phụ trách mảng đó tự đứng ra trả lời.
Và đó cũng là cuộc tiếp xúc thường kỳ. Với Techcombank, nó đánh dấu thay đổi về mức độ cởi mở và minh bạch.
Một là, doanh nghiệp để báo chí hiểu và nắm rõ thông tin chính nguồn về hoạt động của mình để phản ánh chính xác. Hai là, Techcombank khi đó đã đứng trước ngưỡng cửa "cởi áo" về tình hình tài chính và hoạt động.
Đó cũng là thời điểm ngân hàng này bắt đầu phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế, trong đó minh bạch là yêu cầu cao nhất.
Họ âm thầm lên kế hoạch chào bán cổ phần và niêm yết hiện nay từ hơn hai năm trước. Điểm ngắm chào bán tại thị trường Mỹ, nơi yêu cầu phải có tối thiểu 3 năm báo cáo tài chính theo chuẩn mực cao nhất trên thị trường quốc tế; không đáp ứng được, các quỹ tại quốc gia này không được phép rót vốn.
Vượt qua được đòi hỏi của thị trường Mỹ, đáp ứng các thị trường khác thuận lợi hơn. Và Techcombank đã tạo được thương vụ chào bán kỷ lục trong ngành ngân hàng Việt Nam tháng 4 vừa qua, với khoảng 922 triệu USD.
Hay như hiện nay, theo Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh, khi Techcombank công bố nợ xấu chỉ 1,6% là đúng chỉ 1,6% mà không khác đi được, vì tuân thủ theo chuẩn mực báo cáo tài chính nói trên.
Tại buổi tiếp xúc hai năm trước, lần đầu tiên Techcombank bóc tách từng mảng hoạt động, diễn giải cách làm của mình, từ quan điểm, cách thức đến so sánh khác biệt với những cách làm phổ biến trên thị trường.
Tương tự, tại buổi họp báo giới thiệu kế hoạch niêm yết cổ phiếu (mã TCB) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) tuần qua, mô hình kinh doanh và những cách làm cụ thể được giới thiệu chi tiết.
Ví như, theo dẫn giải của ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương, hiện nay và tới đây ngân hàng sẽ hạn chế và rất hạn chế cho vay trung dài hạn.
Nguyên do, một phần ngân hàng giảm thiểu rủi ro ở hoạt động cho vay đường dài này; mặt khác, chính yếu hơn, thúc đẩy làm dịch vụ. Tức là, doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung dài hạn, Techcombank sẽ làm đầu mối tư vấn, thu xếp và phân phối để phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Techcombank hiện là nhà thu xếp trái phiếu số 1 tại Việt Nam. Và đây cũng là nhà môi giới trái phiếu hàng đầu trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM với trên 80% thị phần.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn sơ khai, đang phát triển nhanh và nhiều tiềm năng", ông Minh nói, cũng như lý giải một phần đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng những năm gần đây.
Cũng theo Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương, từ nhiều năm trước họ đã chọn chiến lược dịch chuyển: giảm dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp, đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân.
Ba năm trước, tỷ trọng cho vay cá nhân của Techcombank mới chỉ 30%, đến cuối 2017 đã nâng lên hơn 40% và định hướng gia tăng lên 50 - 55%. Đây là nhóm khách hàng có tương tác dịch vụ lớn, có tỷ lệ lãi biên cao, và quan điểm chỉ cho vay có thế chấp, không cho vay tín chấp.
Với chiến lược trên, đến nay, Techcombank đã dẫn đầu thị trường về cho vay mua căn hộ, cho vay mua ôtô, đứng số 1 về thị phần sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, đứng số 1 về giao dịch thẻ Visa…
"Không sợ bị sao chép"
Cũng tại buổi họp báo trên, sau trình bày chi tiết, ông Nguyễn Xuân Minh có đặt tình huống: trong những năm qua, cũng như tới đây, Techcombank nêu rõ, phân tích rõ chiến lược, cách làm của mình từng mảng một như vậy, liệu có sợ mô hình kinh doanh bị sao chép không?
"Chúng tôi không sợ mô hình bị sao chép. Vì vấn đề ở đây là thực thi, có mô hình nhưng làm sao thực thi được mô hình đó thật tốt. Và chúng ta thấy là không thể sao chép một văn hóa doanh nghiệp, không sao chép được nhân sự", ông Minh trả lời.
Mô hình của Techcombank đã đưa một ngân hàng thương mại lên đứng đầu về các chỉ số hiệu quả và sinh lời trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Và sau gần ba chục năm kể từ khi ra đời các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tại Việt Nam mới có một thành viên có quy mô vốn chủ sở hữu gần ngang ngửa khối "big 4" ngân hàng thương mại nhà nước. Đáng chú ý, tổng tài sản thành viên này chỉ bằng khoảng 25% các thành viên khối "big 4", nhưng lợi nhuận đã đạt tới 70-80% theo con số giá trị tuyệt đối.
MINH ĐỨC
(Bài viết được dẫn lại từ VnEconomy)