Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2013 và thách thức năm 2014 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố cho thấy chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và thanh khoản tăng lên. Cùng với quá trình tái cấu trúc bắt buộc của các ngân hàng yếu kém, việc chủ động tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại lớn cũng là một lý do cho báo cáo lạc quan này.

Đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và để đáp ứng yêu cầu phát triển, một số ngân hàng đã tập trung cải tổ bộ máy hoạt động từ rất sớm. Một trong những đơn vị đi tiên phong phải kể đến Techcombank với chiến lược chuyển đổi được thực hiện từ năm 2009 dưới sự hỗ trợ của công ty tư vấn quốc tế McKinsey.

Một nội dung căn bản của chiến lược chuyển đổi này là thay đổi mô hình quản trị từ mô hình hội sở - chi nhánh sang mô hình khối nghiệp vụ, chi nhánh, tức điểm bán hàng và dịch vụ. Tại Việt Nam, trong gần 2 thập niên qua, các ngân hàng hoạt động chủ yếu dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống hội sở - chi nhánh, trong đó sự quản lý về mặt hoạt động kinh doanh không được tập trung nhiều, chủ yếu là xử lý phân tán. Hội sở chính ngân hàng giao nhiều quyền lực cho chi nhánh, mức độ can thiệp sâu của hội sở vào hoạt động kinh doanh của chi nhánh cũng không nhiều. Theo mô hình này, các chi nhánh có tính chủ động cao, nhưng rủi ro cũng cao trong khi lợi nhuận thu được lại hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động của chi nhánh.

Trong mô hình kinh doanh hiện đại, hội sở sẽ đóng vai trò chủ động, chủ đạo trong các nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng. Thay vì dựa vào hoạt động của chi nhánh, các khối nghiệp vụ sẽ đặt trọng tâm vào việc xây dựng chiến lược quản trị, vận hành, phát triển kinh doanh, thiết kế sản phẩm theo từng nhóm đối tượng khách hàng. Song song đó, chi nhánh sẽ chú trọng tới hiệu quả bán hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc triển khai kinh doanh theo phương thức ma trận về mặt đối tượng khách hàng và sản phẩm nghiệp vụ sẽ phát huy tối đa lợi nhuận theo đối tượng khách hàng.

Ghi nhận ở Techcombank cho thấy mô hình quản trị mới đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao tính chuyên môn, nghiệp vụ, không chỉ giúp quản trị ngân hàng tốt hơn mà phục vụ khách hàng cũng hiệu quả hơn. Nhờ vậy, lượng khách hàng tại ngân hàng này đã tăng lên mức trên 3,3 triệu. Điều này đã góp phần tích cực đem lại kết quả kinh doanh đáng khích lệ cho Ngân hàng trong giai đoạn khó khăn chung của ngành.

Giai đoạn 2009-2014, Techcombank đã tăng trưởng mạnh về tổng tài sản với tốc độ tăng trưởng trung bình 11,41%/năm. Vốn điều lệ tăng từ 5.400 tỉ đồng lên 8.878 tỉ đồng. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc, tổng tài sản của Techcombank đã tăng gần gấp đôi đạt xấp xỉ 160.000 tỉ đồng; chỉ tiêu an toàn vốn luôn duy trì ở mức 13%, cao hơn nhiều so với mức 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Sự thay đổi về tổ chức như xây dựng lại cơ cấu tổ chức, thay đổi nhân sự cấp cao, mở rộng hoặc thu hẹp lại các phòng ban chức năng… chỉ là một phần công việc của quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Nhưng đối với những ngân hàng đang hoạt động tương đối ổn định, chiến lược này đã giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo sức bật cho sự phát triển về sau của ngân hàng.
(Theo Báo Nhịp cầu đầu tư)