Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững mức tăng trưởng GDP, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, từng bước vực dậy các thị trường đầu tư như chứng khoán, BĐS… trong năm 2014 của Chính phủ, phần lớn đã đạt được. Kết thúc một năm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là “một năm vô cùng đặc biệt” với những tác động lớn từ sự cố biển Đông, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường khá hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những hệ lụy sau đó, đã tạo ra một bối cảnh vô cùng đặc biệt trong nửa sau năm 2014, cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế - xã hội. Thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, sản xuất kinh doanh… đều bị tác động. Chưa kể, gần 1 ngàn doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề khi một số phần tử xấu lợi dụng tình hình bất ổn trên biển đông tổ chức biểu tình, gây rối và đập phá.

2014 NHIỀU KHỞI SẮC

Mặc dù vậy, 13/14 chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2014 đều đã đạt và vượt. Cả 3 khu vực, gồm công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phục hồi và tăng trưởng. Đặc biệt, nằm ngoài mọi dự đoán bi quan, tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra, đạt khoảng 5,98%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,84%, vốn đăng ký mới FDI đạt trên 21 tỷ USD, giải ngân ODA tốt hơn năm trước. Tại hội nghị thông báo tình hình kinh tế xã hội trực tuyến với 64 tỉnh, thành mới đây, Thủ tướng cũng đánh giá, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh đều có bước nâng lên, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện…

Một điểm sáng khác là tổng kim ngạch xuất khẩu 2014 ước đạt trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Trong đó, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 13%, cao hơn nhiều mức 3,5% năm 2013. Ngoài ra, khó khăn về sản xuất kinh doanh giảm bớt, tiêu thụ hàng hóa tăng, tiêu dùng và đầu tư phục hồi nhẹ…

Những kết quả đạt được, theo đó, đã tạo được tiền đề, điều kiện thuận lợi cho triển vọng của năm 2015 với mục tiêu đạt và vượt kế hoạch cao hơn năm 2014.    

KỲ VỌNG THỊ TRƯỜNG NĂM MỚI - 2015

Năm 2015 được kỳ vọng sẽ là năm có nhiều thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các kênh đầu tư nói riêng. Theo Tổng Cục Thống kê, 2014, thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu thoát đáy. Theo chỉ số giá BĐS do công ty BĐS Savills công bố thì chỉ số này tại Hà Nội ổn định ở mức 103 điểm; tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số cũng ổn định ở mức 88-89 điểm trong năm 2014. Bộ Xây dựng cũng cho biết, số lượng giao dịch và doanh số giao dịch thành công đã tăng nửa cuối năm 2014, hàng tồn kho giảm.

Năm qua, thị trường chứng khoán tăng khá hẳn so với vài năm trước với vốn hóa thị trường cả năm 2014 đạt 31,5% GDP. Ngoài ra, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa đạt 25.100 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Tổng tài sản hệ thống Công ty Chứng khoán tăng trở lại lần đầu tiên từ 2011, đạt xấp xỉ 75.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2013. Mặt khác, giá chứng khoán cải thiện, tính đến cuối tháng 12-2014, chỉ số VN index đã tăng 5,5%.

Nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy, 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng, trong đó dự báo GDP quý 1-2015 sẽ tăng khoảng 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Lạm phát sẽ không có biến động lớn do tổng cầu phục hồi vừa phải, giá hàng hóa thế giới giảm, đặc biệt là là giá dầu thô, tạo điều kiện cắt giảm chi phí. Dự báo của Ủy ban này là chỉ số giá tiêu dùng năm tới sẽ không tăng quá 3%.

Nhờ sự ổn định được tạo nền tảng từ năm 2014, nhìn chung các nhận định về thị trường Việt Nam năm tới là khá khả quan. Sự ổn định về vĩ mô tạo đà cho các kênh đầu tư tăng trưởng bền vững, trước mắt là BĐS, chứng khoán. Thêm vào đó, với những nỗ lực đi đến ký kết của một số hiệp định kinh tế song phương và đa phương như TPP, dự báo các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, cung ứng nguyên vật liệu, bán lẻ… cùng các dịch vụ khác sẽ có cơ hội tăng trưởng lớn mạnh, tạo đà cho các kênh đầu tư khác sôi nổi hơn.

Với kênh gửi tiết kiệm, nhiều chuyên gia nhận định, nếu trong năm tới, chỉ số CPI tiếp tục được kiềm giữ ở mức thấp hơn lãi suất huy động của các ngân hàng, thì dự đoán kênh này tiếp tục sẽ là kênh hút tiền nhàn rỗi tương tự năm 2014. Năm 2014, CPI chỉ tăng 1,84%, trong khi mặt bằng lãi suất huy động vẫn trên dưới 5%/năm, do đó người gửi tiền vẫn có lời. Trái phiếu Chính phủ khá sôi động trong năm 2014 lại không được đánh giá cao trong năm tới do đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng nhằm giải phóng bớt tiền nhàn rỗi, song với sự cải thiện của nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp, dự báo năm sau tín dụng sẽ tăng và nhiều ngân hàng không còn quá lo lắng đến việc giải phóng bớt nguồn tiền. Riêng ngoại tệ và vàng, dự báo năm tới vẫn sẽ không có nhiều khởi sắc do sự can thiệp của Chính phủ trong quản lý.

Tuy nhiên, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng lưu ý một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá: lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng sẽ giảm cơ hội duy trì mức chênh lệch cao giữa lãi suất đồng nội tệ và ngoại tệ trong nước. Mặt khác, USD nhiều khả năng tiếp tục đà tăng giá so với ngoại tệ khác, dẫn đến VND lên giá so với ngoại tệ khác, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.