Toàn cảnh bức tranh huy động 2014 của các ngân hàng đang dần lộ diện khi tháng 12 chỉ còn vài tuần nữa là chấm dứt. Xuyên suốt năm 2014, nhà đầu tư vẫn e dè với chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, vàng, USD… nên số tiền đầu tư vào các kênh nói trên không quá đột biến.Trong khi đó, tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tăng đều dù lãi suất huy động đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Kênh ngân hàng vẫn là kênh mà người có tiền tin cậy chọn làm chỗ “trú ẩn” trong những lúc kinh tế khó khăn.

Huy động tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, huy động vốn tính đến cuối tháng 11-2014 đã tăng trên 14% so với cuối năm 2013 và đặc biệt tăng cao ở khu vực tiền gửi dân cư. Điều này cho thấy, tiền vẫn đổ vào các ngân hàng mạnh mẽ dù lãi suất huy động giảm liên tục. Xét trên thực tế, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng hiện tại chỉ dao động ở mức 4-5%/năm và trên 6 tháng khoảng 6-7%/năm - thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay. Có thể kể đến ngân hàng Agribank với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là 5.5% và trên 6 tháng là 5.8%; ngân hàng VPBank với mức 5.8% và 6.7%; ngân hàng Vietcombank với mức 5.3% và 6%; ngân hàng ACB với mức 5.5% và 6.1%; và ngân hàng VietinBank với mức 5.5% và 5.8% tương ứng. Tuy nhiên, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia trong báo cáo kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,27%, đồng nghĩa với CPI 11 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 2,08% so với thời điểm cuối năm 2013 – mức tăng thấp kỷ lục trong 10 năm gần đây. Như vậy, so với mức tăng CPI, lãi suất tiền gửi vẫn cao hơn 2-3% (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 4-5% (kỳ hạn trên 6 tháng). Nhiều ý kiến cho rằng mức chênh lệch này vẫn khá hợp lý và người gửi tiền vẫn có lời, nếu chưa chọn được kênh đầu tư sinh lợi nào hấp dẫn hơn.

Theo nhiều đánh giá, nếu CPI cả năm 2014 dừng ở mức 3% thì kênh tiết kiệm vẫn là kênh mà người có tiền quan tâm nhất trong năm tới, bởi tính an toàn và bảo toàn đồng vốn cao hơn, dù lợi nhuận không quá đột biến.  
    
Vĩ mô có nhiều điểm sáng

11 tháng của năm 2014 đã qua đi, theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp báo thường kỳ tháng 12-2014 thì kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu, với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Ngoài ra, sản xuất cũng được phục hồi đáng kể sau giai đoạn khó khăn. Tính chung 11 tháng của năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so cùng kì năm trước (cùng kì năm trước tăng 5,8%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6% (cùng kì năm trước tăng 7,3%).Chưa kể, vốn cho đầu tư phát triển tăng (trong đó, vốn FDI thực hiện 11 tháng tăng 6,2%; giải ngân ODA và vay ưu đãi tăng khoảng 7%). Xuất khẩu cũng là điểm sáng trong kinh tế vĩ mô 2014. Cụ thể, trong 11 tháng qua, xuất khẩu đạt gần 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu đạt gần 135 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhập khẩu liên tục tăng từ quý 2, đặc biệt ở nhóm nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất.

Về các kênh đầu tư cụ thể, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đánh giá, dù trong năm 2014 có những giai đoạn trồi sụt, song hiện tại thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu phục hồi và nhiều triển vọng mới. Thị trường đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình. Số lượng giao dịch thành công tăng liên tục từ giữa năm đến nay. Dự kiến trong năm mới, thị trường này sẽ chứng kiến nhiều tín hiệu mới lạc quan hơn. Tương tự, chứng khoán trong năm 2014 dù không phải là kênh sinh lợi lớn và đột biến, nhưng tương đối ổn định cho những nhà đầu tư quan sát kỹ càng và giàu kinh nghiệm với mức tăng 11 tháng của thị trường khoảng 13%. Những ngày đầu tháng 12, chỉ số VNindex dao động quanh mức 560 điểm và nhiều chuyên gia dự đoán, các dòng tiền đầu tư vào kênh này sẽ tiếp tục tăng.

Riêng vàng và USD, năm 2014 không phải là năm dành cho 2 kênh đầu tư này bởi sự kiểm soát có chủ đích của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước khiến giá vàng tại Việt Nam có tính ổn định cao so với giá vàng thế giới. Đồng USD cũng không biến động lớn vì nhà điều hành muốn giữ ổn định tỷ giá và không để tỷ giá tăng giảm vượt khung.

Như vậy, trước mắt, trong giai đoạn “giao thời” giữa năm 2014 và 2015, gửi tiết kiệm, chứng khoán và bất động sản vẫn là những kênh hút tiền hiệu quả. Và thị trường vẫn chờ đợi những thay đổi tích cực về vĩ mô cùng sự phục hồi của nền kinh tế để có một năm mới sôi động hơn.