"Mô hình không sợ bị sao chép" của Techcombank tiếp tục tiến nhanh trong 9 tháng đầu 2018.
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) là trường hợp đầu tiên công bố được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay từ 14% lên 20%, tại buổi tiếp xúc định kỳ với nhà đầu tư tuần qua.
Thoạt tiên thông tin trên có thể gây bất ngờ. Vì năm nay Ngân hàng Nhà nước chủ trương không nới chỉ tiêu cho bất cứ trường hợp nào, ngoại trừ tham gia tái cơ cấu hệ thống.
Tương quan hiếm có
Nhưng Techcombank không hẳn là trường hợp duy nhất. Theo tìm hiểu, nhà băng nào tăng được vốn điều lệ năm nay, tình hình tài chính tốt, tham gia tái cơ cấu hệ thống thì thuộc diện được xem xét nếu có đề xuất.
Sau thương vụ bán vốn kỷ lục, "Tech" có quy mô vốn chủ sở hữu gia tăng mạnh đầu năm nay; vốn điều lệ cũng tăng mạnh qua trả cổ tức bằng cổ phiếu. Và có một điểm khác nữa được xem xét: ngân hàng này đã tham gia hỗ trợ xử lý một vấn đề lớn trong hệ thống, cũng quan trọng không kém việc tham gia tái cơ cấu.
Theo lãnh đạo Techcombank, việc xin nới và được nới chỉ tiêu nhằm chủ động dự phòng cho kế hoạch những tháng cuối năm, nhu cầu và guồng quay tín dụng thường tăng cao.
Còn thực tế sau 9 tháng, thành viên dẫn đầu lợi nhuận khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân Việt Nam đã không đẩy mạnh tín dụng như cách truyền thống.
Các chỉ số cho thấy, 9 tháng đầu năm nay hiệu suất sử dụng vốn đẩy tín dụng và mở rộng tài sản của Techcombank không mạnh. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) chỉ 69,2%, thuộc vùng thấp nhất trong hệ thống. Hệ số an toàn vốn (CAR) lên tới 14,3%, mà càng cao thì hiệu quả sử dụng vốn càng có phần hạn chế, dù kỳ công bố này có đặc điểm riêng do vốn tự có vừa tăng mạnh.
9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Techcombank cực thấp, chỉ khoảng 3,3%. Tuy nhiên, họ gia tăng mạnh sở hữu trái phiếu doanh nghiệp.
Với chỉ tiêu mới cao hơn, dự kiến quý cuối năm tăng trưởng tín dụng tại đây sẽ được đẩy mạnh hơn. Nhưng đóng góp của cho vay trong cơ cấu thu nhập đã không còn chi phối lớn như trước.
Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng tại Techcombank đã giảm từ 53% xuống còn 48% kết thúc quý 3/2018. Đây cũng là ngân hàng thương mại duy nhất của Việt Nam tại thời điểm này tạo được tương quan này; phần lớn các thành viên vẫn còn tỷ trọng chi phối lớn từ tín dụng.
Nguyên do, chiến lược đã chọn có trọng tâm phát triển dịch vụ, với "mô hình không sợ bị sao chép" mà đại diện lãnh đạo Techcombank từng giải thích ở kỳ tiếp xúc nhà đầu tư quý trước là căn bản nằm ở vận hành.
Tài nguyên khách hàng lớn
Vẫn phải nhắc lại dữ kiện cũ. Tháng 9/2016, Techcombank triển khai chiến dịch miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch trực tuyến. Lượng khách hàng sau đó gia tăng đột biến trong 2017 và tiếp tục đột biến trong 2018.
Chính sách này tiếp tục mở rộng sang khách hàng doanh nghiệp từ tháng 7/2018. Rồi chính sách hoàn tiền 1% cho thẻ debit không giới hạn số tiền…
Lãnh đạo khối chuyên trách Techcombank cho biết, ngân hàng truyền thống thường mất khoảng 1% chi phí cho hoạt động môi giới để phát triển khách hàng mới. Còn Techcombank những năm gần đây, với cách làm và những chính sách điển hình như trên, không mất khoản phí đó, trong khi lượng khách hàng mới tăng rất mạnh (9 tháng đầu năm nay tăng tới 87% so với cùng kỳ năm trước).
Như trên, chính sách phát triển khách hàng nhanh với chi phí thấp hơn truyền thống, tạo cơ sở tài nguyên lớn để Techcombank đẩy mạnh bán chéo sản phẩm và đứng đầu thị trường (như đứng số 1 thị phần phân phối bảo hiểm nhân thọ, số 1 về cho vay mua nhà, số 1 về số lượng giao dịch qua thẻ Visa, số 1 về sản phẩm đầu tư gắn với 77% thị phần môi giới phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam…).
Một lợi ích nữa cũng đong đếm rõ ràng: khách gia tăng nhanh, lượng giao dịch có cấp độ tăng cao đồng nghĩa với lượng tiền chu chuyển qua Techcombank lớn, và một tỷ trọng đọng lại trên tài khoản ở tiền gửi không kỳ hạn.
9 tháng đầu năm nay, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng này tiếp tục gia tăng từ 22% lên 25% cơ cấu, tăng thêm hơn 11.000 tỷ đồng. Tỷ trọng và quy mô tiền gửi không kỳ hạn (có lãi suất thấp) giúp pha loãng chi phí huy động, cạnh tranh lãi suất cho vay…
Như trên, phát triển dịch vụ và giảm dần lệ thuộc tỷ trọng nguồn thu từ tín dụng, mô hình Techcombank tiếp tục tạo tốc độ tăng trưởng đáng chú ý ở các cấu phần liên quan.
9 tháng đầu năm 2018, thu nhập ngoài lãi đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; cùng so sánh, thu nhập phí tăng 25%. Hay cụ thể ở con số: 9 tháng đầu 2017 đạt 1.690 tỷ đồng thu nhập từ phí, thì 9 tháng đầu 2018 đã lên tới con số 2.113 tỷ đồng.
Tất nhiên, tín dụng vẫn luôn là hoạt động, cấu phần quan trọng hàng đầu. Techcombank có thêm chỉ tiêu tăng trưởng cao trong những tháng cuối 2018. Ngân hàng này cho biết, cơ cấu bảng cân đối đang dần dịch chuyển theo định hướng chiến lược: tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tương đương với tỷ trọng dự nợ của khách hàng cá nhân.
"Mục đích cân bằng tài sản giữa phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là nhằm giảm thiểu rui ro tín dụng, và từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh", đại diện lãnh đạo Techcombank cho biết.
Với hướng dịch chuyển đó, cùng mô hình tập trung phát triển dịch vụ theo những cách riêng và hiệu quả vận hành, sau khi đạt 7.774 tỷ lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu, Techcombank khẳng định sẽ cán đích kế hoạch 10.000 tỷ đồng cả năm 2018; cũng như duy trì các tỷ suất sinh lời ở các nhóm cao các ngân hàng trong khu vực và là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản cao nhất hệ thống tại Việt Nam.