Cuối tháng 6/2022, lợi nhuận chưa phân phối của Techcombank đã lên đến hơn 58.700 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về nền tảng vốn khi vốn chủ sở hữu chính thức vượt 100.000 tỷ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,7%.
Quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.321 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý 1. Đây cũng là quý mà Techcombank có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Nhờ đó, nửa đầu năm, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán cũng tăng lên kỷ lục hơn 58.700 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Đây sẽ là dư địa rất lớn cho các kế hoạch tương lai của nhà băng này.
Đáng chú ý, Techcombank tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về nền tảng vốn. Cuối tháng 6/2022, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên có vốn chủ sở hữu đạt trên 100.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,7%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I- Basel II.
Đi sâu hơn vào kết quả kinh doanh, Techcombank cho thấy khả năng tăng trưởng bền vững và chuyển dịch linh hoạt để phù hợp với diễn biến thị trường. Trong đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 15.905 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng tốt (8,5%) và NIM trong 12 tháng gần nhất duy trì ở mức cao 5,6%.
Cơ cấu tín dụng theo phân khúc có sự dịch chuyển đáng chú ý khi dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 19,7% so với quý trước lên 205 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46%. Cho vay cá nhân tăng mạnh được thúc đẩy bởi sản phẩm cho vay mua nhà, hiện chiếm đến 82% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của ngân hàng này. Trong khi dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đã giảm đáng kể từ 77 nghìn tỷ xuống 49 nghìn tỷ đồng.
Sự dịch chuyển này đã phản ánh khả năng linh hoạt của ngân hàng trong việc điều chỉnh phù hợp với điều kiện thị trường khi "room" tăng trưởng tín dụng có hạn và thị trường trái phiếu bị siết một số quy định thời gian gần đây.
Việc chuyển dịch danh mục sang khách hàng cá nhân cũng góp phần cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) lên mức 15,7% do phân khúc khách hàng này có hệ số rủi ro thấp hơn.
Thu nhập ngoài lãi của Ngân hàng là một điểm sáng tích cực, đặc biệt thu nhập hoạt động dịch vụ tăng 29,5% so với cùng kỳ, đạt 4,4 nghìn tỷ đồng với đa dạng loại phí. Trong đó, thu từ dịch vụ thẻ tăng 45%, thu từ dịch vụ bảo hiểm tăng 31,5%, thu từ thư tín dụng tăng 56,8%,…Ngoài ra, thu từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) vẫn tăng 4.0% dù thị trường trái phiếu, cổ phiếu có nhiều biến động không thuận lợi.
Các chỉ số về khả năng sinh lời của Techcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống. ROA của kỳ 12 tháng kết thúc 30/6/2022 đạt 3,6%, cao nhất trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tỷ lệ ROE cũng thuộc top đầu, đạt 21,8%.
Điều ấn tượng là khi duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao, chất lượng tài sản của ngân hàng vẫn luôn thuộc nhóm tốt nhất hệ thống, kể cả trong hay sau đại dịch. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2022 của Techcombank chỉ ở mức 0,6% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 171,6%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của Techcombank hiện chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng, tương đương với 0,1% tổng dư nợ, giảm mạnh từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3/2022.
Tình hình tài chính của nhiều khách hàng Techcombank phục hồi tốt sau đại dịch và một số khoản trích lập dự phòng được hoàn nhập đã giúp chi phí dự phòng 6 tháng đầu năm của Techcombank giảm đáng kể 56,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 636 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của Techcombank cũng xóa tan lo ngại của một số nhà đầu tư khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp biến động thời gian qua – là hai phân khúc nằm trong chiến lược dài hạn của Techcombank.
Chia sẻ với nhà đầu tư gần đây, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp Techcombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục kiên định với chiến lược đã chọn lựa. Và thực tế, lựa chọn của Techcombank là đúng đắn khi không chỉ đem lại lợi nhuận bền vững mà tỷ lệ nợ xấu ngay cả trong giai đoạn khó khăn cũng luôn thấp nhất thị trường.
Ông Hưng phân tích, nhu cầu mua nhà của người dân vẫn còn rất lớn, đặc biệt là phân khúc trung – cao cấp. Ngân hàng chú trọng việc chọn lọc thị trường, tập trung những chủ đầu tư có năng lực để hợp tác, có sản phẩm phù hợp với khách hàng mục tiêu mà Techcombank lựa chọn theo chiến lược chuỗi giá trị mà Ngân hàng đã theo đuổi.
Techcombank cũng giữ quan điểm ủng hộ động thái của cơ quan quản lý và cho rằng đó là cần thiết cho sự phát triển của một thị trường vốn non trẻ như Việt Nam. Các hoạt động đầu cơ được giảm thiểu là điều tốt cho thị trường và Techcombank sẽ tận dụng được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ để tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.
Trong khi đó, giới phân tích duy trì đánh giá khả quan với Techcombank do ngân hàng có nền tảng an toàn vốn và mô hình kinh doanh ổn định, bền vững.
"Chúng tôi cho rằng Techcombank ít chịu ảnh hưởng liên quan đến việc thắt chặt trên thị trường trái phiếu, bất động sản nhờ vào tỷ lệ an toàn vốn cao nhất toàn ngành, giúp giảm thiểu mọi rủi ro ngay cả khi ngân hàng tích cực đẩy mạnh cho vay bất động sản", VnDirect nhấn mạnh trong một báo cáo phân tích gần đây. Sự giám sát của cơ quan quản lý chỉ nhằm vào các sai phạm trên thị trường và Techcombank không chịu ảnh hưởng đáng kể nào.
Quản lý chi phí vốn đang là bài toán lớn với các ngân hàng Việt hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh huy động tiền gửi chịu áp lực cạnh tranh với các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao như bất động sản, chứng khoán. Thêm vào đó, áp lực lạm phát cao và làn sóng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải tăng lãi suất huy động thời gian tới.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng sẽ có sự phân hóa về áp lực lên chi phí vốn, những ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ thị trường quốc tế sẽ có lợi thế rõ rệt, ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát và xu hướng tăng lãi suất đáng kể.
Trong hệ thống ngân hàng, Techcombank có thể nói là ngân hàng có nhiều lợi thế về chi phí vốn nhất hiện nay. Điều này cũng giúp họ có được NIM cao mà không phải tập trung vào các phân khúc cho vay lãi suất cao, nhiều rủi ro. 6 tháng đầu năm 2022, chi phí vốn của ngân hàng chỉ ở mức 2,2%.
Hiện Techcombank vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Cuối tháng 6/2022, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là gần 153.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA đạt khoảng 47,5%, giảm so với mức 50,5% hồi đầu năm nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước (46,1% tại ngày 30/6/2021).
Không riêng Techcombank mà hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong nửa đầu năm. Chẳng hạn tại MSB, tỷ lệ CASA cũng giảm từ 38,1% xuống 36,5 %; tại VPBank giảm từ 22,2% xuống 19,0%,…
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết, biến động của CASA là chỉ là xu hướng ngắn hạn, do một bộ phận khách hàng chuyển dịch tài khoản thanh toán sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán. Trong trung và dài hạn, chiến lược của ngân hàng là tiếp tục nâng cao trải nghiệm khách hàng, đầu tư số hóa để trở thành ngân hàng giao dịch chính, nâng tỷ lệ CASA lên trên 50%. Lãnh đạo của nhà băng này kỳ vọng sẽ sớm lấy lại phong độ về chỉ tiêu này.
Ngoài tiền gửi không kỳ hạn, một nguồn vốn giá rẻ khác có thể giúp các ngân hàng cải thiện chi phí vốn là huy động từ các định chế tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, đây lại không phải là nguồn vốn dễ tiếp cận khi các tổ chức tài chính quốc tế có đánh giá rất khắt khe về sự minh bạch cũng như tình hình tài chính lành mạnh của bên vay vốn.
Tháng 6 vừa qua, Techcombank đã gây bất ngờ cho thị trường khi huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá tới 1 tỷ USD. Cho đến nay, đây là khoản tín dụng trung dài hạn có giá trị lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế, đặc biệt cho kỳ hạn lên tới 5 năm. Và đây cũng là lần thứ 3 Techcombank tiếp cận thành công thị tường hợp vốn nước ngoài, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.
Với sự tin tưởng vào kết quả kinh doanh vượt trội và chiến lược phát triển bền vững của Techcombank, 26 ngân hàng quốc tế danh tiếng – có trụ sở tại Anh, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc và Úc – đã tham gia cho vay trong giao dịch hợp vốn này.
Ông Bryan Liew, Giám đốc Điều hành phụ trách thu xếp hợp vốn của Ngân hàng Standard Chartered Bank, cho biết: "Techcombank đã thiết lập thêm một cột mốc mới cho thị trường vay vốn Việt Nam với khoản tín dụng trị giá lên đến 1 tỷ USD. Sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư danh tiếng khẳng định sự tin tưởng của thị trường vào vị thế tài chính và triển vọng phát triển trong trung dài hạn của Techcombank".
Cần nhấn mạnh thành công này của Techcombank, bởi bối cảnh hầu hết ngân hàng Việt hiện nay đều gặp khó trong việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn ở trong nước do khách hàng thường chỉ gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Khi nguồn vốn trung dài hạn thiếu ổn định và ngân hàng sử dụng nhiều nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ đem đến những rủi ro khó lường trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước cũng đang có xu hướng siết chặt tỷ lệ này khi dự kiến tháng 10 tới đây, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm còn 34% và từ 1/10/2023 tiếp tục giảm xuống 30%.
Những kỷ lục mà Techcombank có được hiện nay là kết quả của chiến lược kinh doanh đúng đắn và hiệu quả mà ngân hàng đã chọn và kiên định thực hiện trong 8 năm qua như đẩy mạnh cho vay mua nhà, xây dựng hệ sinh thái quanh các đối tác lớn Masan, VinGroup. Ngoài ra, một động lực không thể không nhắc đến là việc tiên phong trong lĩnh vực số hóa của Techcombank trên thị trường tài chính Việt Nam.
Từ cách đây 6 năm, Techcombank đã tuyên bố đầu tư 300 triệu USD cho dự án chuyển đổi số trong giai đoạn 2016-2020, chưa tính đến đầu tư cho nhiều nhân sự cấp cao được đưa về để thực hiện dự án này. Nhà băng cũng xác định và công bố kế hoạch đầu tư 500 triệu USD giai đoạn 2021-2025 để đầu tư vào công nghệ, trong đó có việc "bắt tay" với gã khổng lồ công nghệ Amazon trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Song song, Techcombank là ngân hàng tiên phong trên thị trường từ năm 2016 với chính sách "Zero Fee" (phí 0 đồng) cho các giao dịch trực tuyến. Chiến lược này đi ngược với xu hướng chung của thị trường thời điểm đó, khi hầu hết ngân hàng khác đều tăng phí dịch vụ để tăng nguồn thu phi tín dụng. Đồng thời, Techcombank cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình hoàn tiền cho các giao dịch thanh toán bằng thẻ.
Chính sách khuyến mãi về phí dịch vụ cộng hưởng với việc phát triển ứng dụng ngân hàng số để nâng cao trải nghiệm người dùng của Techcombank đã dẫn đến kết quả số lượng khách hàng mới cũng như giá trị giao dịch qua kênh điện tử "bùng nổ" trong thời gian ngắn. Khách hàng sử dụng Techcombank như ngân hàng giao dịch chính đã đẩy lượng tiền gửi không kỳ hạn tại đây tăng chóng mặt, tỷ lệ CASA từ 21,6% năm 2017 đã tăng lên đỉnh điểm 50,5% năm 2021. Như đã nói ở trên, vị thế CASA đã cho Techcombank lợi thế cạnh tranh rất lớn về vốn và bán chéo trước các đối thủ trong ngành.
Techcombank cũng vừa ghi nhận dấu mốc mới về tệp khách hàng chất lượng của mình. Trong quý 2/2022, nhà băng đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 10,1 triệu khách hàng. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 2/2022 lần lượt đạt 206,1 triệu giao dịch (tăng 28,8% so với cùng kỳ) và 2,8 triệu tỷ đồng (tăng 14.0% so với cùng kỳ).
Chiến lược số hóa vẫn tiếp tục được Techcombank đẩy mạnh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp Phát triển và Quản lý hợp kênh Techcombank cho biết: "Chúng tôi áp dụng các nền tảng số, thay đổi cách cung cấp sản phẩm dịch vụ tới khách hàng, đảm bảo người dùng có trải nghiệm xuyên suốt, dễ dàng, tiện dụng từ App mobile cho đến đến các chi nhánh".
Lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh: "Chúng tôi hướng đến nâng tầm cuộc sống cho khách hàng. Người dùng sẽ dễ dàng sử dụng các sản phẩm tài chính mà không còn cảm thấy phức tạp, cứng nhắc. Ngân hàng cũng sẽ đồng hành như một chuyên gia tài chính cá nhân trong toàn bộ quá trình, các mục tiêu cuộc sống của khách hàng".
Cuối năm 2021, Techcombank đã triển khai ứng dụng mới trên điện thoại di động dành cho khách hàng cá nhân. Tính đến cuối tháng 6/2022, hơn 70% khách hàng hoạt động đã được chuyển đổi thành công sang ứng dụng mới. Hiện ứng dụng này được đánh giá 4,7/5 sao dựa trên 169 nghìn đánh giá thời gian gần đây, trở thành một trong những ứng dụng ngân hàng được đánh giá cao nhất bởi người dùng.
Trong thời gian tới, ứng dụng sẽ ưu việt hơn khi tích hợp tài chính và đầu tư. Khách hàng có thể đăng ký TCBS dễ dàng, mua và bán chứng chỉ quỹ, chứng chỉ tiền gửi và sắp tới có thể thực hiện mua bán cổ phiếu, trái phiếu. Người dùng có thể khởi động hành trình đầu tư với chỉ 10 nghìn đồng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cũng đã chính thức triển khai nền tảng ngân hàng số mới trong tháng 5/2022, đem đến trải nghiệm số không gián đoạn, giúp khách hàng xử lý giao dịch. Trong thời gian ngắn, đã có gần 24.000 khách hàng sử dụng ứng dụng mobile app lần đầu tiên được triển khai, doanh số giao dịch trên app đã nhanh chóng tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng giao dịch.
Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, Techcombank đã giới thiệu iDO – nền tảng số mới dành cho chi nhánh, nhằm số hóa và tự động hóa các quy trình, giảm bớt thủ tục giấy tờ và cho phép nhân viên chi nhánh có thêm thời gian tương tác, cung cấp dịch vụ tư vấn gia tăng giá trị cho khách hàng. Từ đó, khách hàng sẽ có trải nghiệm hứng thú hơn ở các chi nhánh, không còn các thủ tục rườm rà, khô khan.
Theo CafeF
Xem bản gốc tại đây