Nguồn lao động trẻ dồi dào của Việt Nam được đánh giá là lợi thế cạnh tranh của quốc gia so với nhiều nước khác.

Nếu trên thế giới, IBM đã gặt hái thành công nhờ xây dựng đội ngũ nhân lực với 3 chữ Win- Execution- Team, hay Nokia đề cao “dĩ nhân vi bản”, giờ đây các doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn trao cơ hội phát triển cho người trẻ để khai thác tối đa lợi thế này.

Cơ cấu “dân số vàng” đã từng là một lợi thế lớn cho tăng trưởng của Việt Nam. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu tăng trưởng toàn cầu Mc Kinsey (MGI), trong giai đoạn 2000 - 2010, lực lượng lao động Việt Nam gia tăng mạnh đã đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng trong thời gian tới, lợi thế này sẽ giảm dần và cần được bù đắp bằng tăng năng suất kinh tế.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, điều này có nghĩa là doanh nghiệp khó có thể tiếp tục dựa vào những yếu tố như tốc độ kinh tế tăng trưởng mạnh và nguồn lao động giá rẻ dồi dào. Để chuyển dịch sang các hoạt động có năng suất cao hơn và giá trị gia tăng lớn hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản lý, năng suất lao động cho nhân viên. Thực tế, các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia hiện gặp phải những vấn đề: người mới vào nghề chưa thể đảm nhận ngay cả những công việc cơ bản, và khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư tay nghề cao và cán bộ quản lý lành nghề.

Một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã có cách giải quyết những vấn đề này một cách hiệu quả. Như Công ty Phần mềm FPT Software đã thành công với các chương trình đào tạo do doanh nghiệp tự tổ chức. Trong khối dịch vụ, Techcombank là ngân hàng đi đầu trong đào tạo, phát triển nhân viên. Các nhân viên mới trước khi đi làm được tham gia khóa đào tạo bắt buộc, và đào tạo nâng cao năng lực hàng năm. CBNV ở mọi vị trí đều được khuyến khích phát triển theo lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.
 

Ngô Quang Thật, một bạn trẻ đang làm việc Trung tâm Giao dịch Hội sở Techcombank, cho biết: “Ngay sau khi được tuyển dụng vào Techcombank, tôi được ngân hàng cử đi học các lớp đào tạo cán bộ tập trung do trung tâm đào tạo và nhân sự tổ chức, được hướng dẫn trực tiếp trong công việc hàng ngày. Nhờ đó, tôi đã rút ngắn quá trình tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ để tự tin bắt tay vào công việc”.
Anh Ngô Nam Phong, một người trẻ đã gặt hái thành công ở vị trí quản lý cao cấp của Techcombank cho biết: “Ở Techcombank, dù bạn trẻ tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu bạn thực sự có tư duy tốt, suy nghĩ đúng và luôn thể hiện mong muốn cống hiến cho tổ chức, cũng như có hoài bão, đam mê được chứng tỏ năng lực của bản thân, bạn sẽ được tạo cơ hội thử thách bản thân, được đào tạo và xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng”. Là một trong những người trẻ đầu tiên tại Techcombank được tham gia vào dự án thúc đẩy kinh doanh do Mc Kinsey tư vấn triển khai, Ngô Nam Phong đã lần lượt trải qua nhiều vị trí công tác, như quản lý đơn vị kinh doanh cấp chi nhánh trong giai đoạn kinh tế khó khăn, đến các vai trò cao hơn như quản lý tại Trung tâm Kinh doanh và Chăm sóc khách hàng miền Nam trong giai đoạn chuyển đổi mô hình. Vượt qua thử thách và chứng tỏ được năng lực xuất sắc của mình, cuối năm 2014, anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Chăm sóc khách hàng miền Nam, kiêm Giám đốc Phát triển bán và Chất lượng dịch vụ miền Nam khi mới bước vào tuổi 30.

Theo các chuyên gia của Mc Kinsey, những giải pháp như đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân tài từ lớp trẻ mà FPT và Techcombank đang thực hiện là cách doanh nghiệp tạo lập giá trị trong dài hạn, chú trọng đến lợi nhuận cuối cùng thay vì chỉ tìm cách đẩy mạnh doanh thu tuần túy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường tính chuyên nghiệp trong việc giữ chân và tạo cơ hội thăng tiến cho những nhân viên giỏi nhất của mình thông qua các chế độ ưu đãi, tăng quyền tự quyết của cấp quản lý. Thông qua những giải pháp này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát huy được lợi thế lao động trẻ, giữ vững nhịp độ tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Mộc Trà