GDP quý I/2014 đã tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước là một trong những điểm quan trọng nhất trong báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2014 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%.
GDP tăng khá
Đây là mức tăng trưởng cao nhất của GDP quý I trong cùng kỳ 3 năm qua. Báo cáo vừa công bố của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia nhận định, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy so với thời điểm quý 3/2013, do đó, khả năng đạt mức tăng trưởng GDP trong năm 2014 tốt hơn. Nguyên nhân có thể tạo đà để GDP tăng trưởng, theo ủy ban này là do các chính sách hỗ trợ phát triển của Chính phủ như giảm lãi suất, tăng đầu tư trái phiếu…
Mặc dù số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn được cho là cao, song Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, sức khỏe doanh nghiệp nhìn chung đã được cải thiện hơn trước, thông qua các chỉ số: khả năng trảnợ của khu vực doanh nghiệp đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012; tỷ số thanhtoán được cải thiện đáng kể; hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện so với năm 2012.
Mặt khác, CPI cuối Quý I chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và tăng 6,83% so với cùng kỳ năm trước (tốc độ tăng giá sau 1 năm). Tính từ năm 2005 đến nay, đây là mức tăng thấp nhất. Lạm phát hiện không còn là mối lo ngại của nền kinh tế nữa, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng giảm lãi suất vay.
Sản xuất tăng trưởng
Trong toàn nền kinh tế, cả ba khu vực đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37% (quý I/2013 tăng 2,24%),; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69% (quý I/2013 tăng 4,61%) và khu vực dịch vụ tăng 5,95% (quý I/2013 tăng 5,65%).
Xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh trong Quý I. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 12 tỷ USD, tăng 2,46 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,1% và nhập khẩu tăng 12,4% (so với mức 23% và 17,9% của cùng kỳ năm 2013).
Tính chung 3 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất khẩu 33,34 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu 32,34 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2013. Như vậy, trong quý I, cả nước xuất siêu hơn 1 tỷ USD.Đây là quý xuất siêu cao nhất của Việt Nam kể từ 2010.
Doanh nghiệp hồi phục
Lo lắng nhất vẫn là sức khỏe của doanh nghiệp. Trong quý I/2014, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là trên 16,7 ngàn doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2013 có trên 15,2 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động).
Tuy nhiên, số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động, đã quay trở lại hoạt động trong quý I/2014 là 4.622 doanh nghiệp, tăng 48,9% so với quý IV/2013. Những ngành có xu hướng tốt lên như: hoạt động phục vụ cá nhân (thành lập mới tăng 52,1%, dừng hoạt động giảm 3,3%), tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (thành lập mới tăng 18,9%, dừng hoạt động giảm 14,7%)… Khu vực tư nhân có xu hướng quay trở lại đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dịch vụ. Theo điều tra của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia trong tháng 2/2014, số hộ gia đình được hỏi có dự định đầu tư vào sản xuất tăng hơn so với mức 6% tại cuộc điều tra giữa năm 2013.
Ngoài ra, các ngành như: nghệ thuật, vui chơi và giải trí; thông tin và truyền thông; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; kinh doanh bất động sản… có xu hướng hoạt động mạnh mẽ hơn. Tính riêng trong tháng 3, cả nước có 7.487 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 35.081 tỷ đồng, tăng 87% về số doanh nghiệp và tăng 82,9% về số vốn đăng ký so với tháng 2.