Có lẽ không có thời điểm nào thuận lợi hơn để các ngân hàng đẩy mạnh các gói vay tiêu dùng cá nhân khi nhu cầu mua sắm và tích trữ hàng hoá cuối năm đang khiến thị trường cho vay sôi động hơn hẳn các thời điểm khác trong năm.
Trong bối cảnh đó, ngày 28-10, Ngân hàng nhà nước quyết định giảm trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay (VNĐ) và lãi suất tiền gửi USD xuống từ 0,5-1%/năm so với trước.
Lãi suất giảm
Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp, khách hàng, bên cạnh đó góp phần để cố gắng đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14% cho năm 2014, bởi hiện tại, 10 tháng đầu năm 2014, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng gần 9%. Hưởng ứng điều này, nhiều ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất vay, ngoài các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất vay cũng giảm đáng kể. So với thời điểm đầu năm, đánh giá của Ngân hàng nhà nước cho thấy mặt bằng lãi suất đã giảm thêm 1-1,5%/ năm. Trong đó, lãi suất vay tiêu dùng dao động ở mức phổ biến 10-14%/năm tùy hình thức vay và tùy ngân hàng, và đây là mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Xác định vay tiêu dùng là một trong những mục tiêu lớn nhằm đẩy mạnh tăng tín dụng cho cả năm 2014, từ vài tháng trước, nhiều tổ chức tín dụng lớn nhỏ đã chạy hàng loạt các chương trình ưu đãi, tung ra các gói cho vay tiêu dùng nhằm khuyến khích người vay. Trong đó, mạnh nhất là nhóm các ngân hàng như ACB, Techcombank, ABBank, Sacombank… với nhiều ưu đãi: lãi suất dưới 10%/năm, cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo, thủ tục nhanh gọn, liên kết thanh toán linh hoạt với các hãng xe, hệ thống siêu thị, dịch vụ, nhà hàng, doanh nghiệp bất động sản… nhằm tạo thuận lợi nhất cho khách vay. Dịch vụ phát hành thẻ và cho vay tiêu dùng thông qua các loại thẻ tín dụng cũng được đẩy mạnh.
Với ưu điểm dân số trẻ, lượng khách hàng ở độ tuổi lao động ngày càng tăng, đặc biệt là giới công chức văn phòng ở các đô thị nên cho vay tiêu dùng đã và đang trở thành một trong những thị trường cho vay tiềm năng nhất. Thêm vào đó, ít khi có nợ xấu và thị phần rộng cũng là những yếu tố khiến cho vay tiêu dùng luôn được các nhà băng ưu ái đẩy mạnh.
Kỳ vọng sức mua
Tình trạng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng được nhiều chuyên gia xác định vẫn tồn tại từ 2011 đến nay theo hướng chi tiêu hợp lý hơn, song, không thể phủ nhận xu hướng mua sắm và sự dụng các dịch vụ (ngoài danh mục hàng hóa thiết yếu) vẫn đang gia tăng đáng kể: du lịch, giáo dục và y tế chất lượng cao, ăn uống ngoài gia đình, mua sắm hàng xa xỉ và hàng công nghệ mới, mua xe hơi và căn hộ…
Mặc dù kinh tế vẫn khó khăn, song theo Bộ Công thương, kết thúc 10 tháng đầu năm 2014, tổng mức bán lẻ ước đạt 2.399.480 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2014 đạt mức tăng 6,4%. Xét về cơ cấu ngành kinh tế, ngành du lịch đạt mức tăng cao nhất là 16,6%, nhóm khách sạn, nhà hàng và dịch vụ đạt mức tăng lần lượt là 10,8% và 11,8%, ngành thương nghiệp đạt mức tăng thấp nhất là 11%. Theo đánh giá, 3 tháng cuối năm luôn là khoảng thời gian sức mua tăng mạnh nhất ở đa số loại hình hàng hóa và dịch vụ, do đó, thời điểm này là thời điểm “vàng” để các ngân hàng tăng mạnh khối vay tiêu dùng, tăng lợi nhuận.
Tết Dương lịch 2015 và Tết Nguyên đán Ất Mùi sắp tới được Chính phủ kéo dài ngày nghỉ, lần lượt là 4 ngày và 9 ngày với mục tiêu kích cầu mua sắm. Hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị, điểm du lịch, nhà hàng, hãng xe… đã có đầy đủ các chương trình khuyến mãi, kích cầu nhằm tăng sức mua của người tiêu dùng vào 2 dịp Tết lớn nhất năm. Chính vì vậy, kỳ vọng tăng sức mua, qua đó tăng lượng khách vay tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ thẻ tín dụng… đang là đích để các ngân hàng nhắm tới với nhiều chính sách về thủ tục và lãi suất phù hợp hơn.