CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của tháng 2-2014 chỉ tăng 0,55% so với tháng 1, và tốc độ tăng giá sau 1 năm (2-2013 so với 2-2014) chỉ ở mức 4,65% là một trong những điểm sáng đầu tiên của kinh tế vĩ mô đầu năm 2014.

Điều này chứng tỏ, những điều hành vĩ mô của Chính phủ đã đi đúng hướng, lạm phát vẫn được kiểm soát trong vòng an toàn, tỷ giá USD ổn định, giá vàng có biến động nhẹ, song cũng được kiểm soát tốt thông qua hình thức đấu thầu của ngân hàng nhà nước, thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tốt.

Vĩ mô ổn định

Trong đó, quan trọng là sức khỏe doanh nghiệp sau nhiều năm sụt sùi đã có những bước cải thiện đáng kể, trong 2 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp giải thể không nhiều như cùng kỳ các năm trước, khoảng trên 13 ngàn doanh nghiệp (theo Bộ Kế hoạch đầu tư). Tuy nhiên, các ngành sản xuất – xuất khẩu và khối doanh nghiệp FDI vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định. Nhiều ngành sản xuất khẳng định, cơ hội kinh doanh 2014 vẫn rất lạc quan, như: dệt may, giày dép, sản xuất gỗ, nước giải khát, bán lẻ, hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử và máy tính… Điều này tạo đà cho thị trường chứng khoán đầu năm.

Kinh tế vĩ mô ổn định, chính trị ổn định đã khiến dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và xu hướng này sẽ không thay đổi trong thời gian tới, ngoài ra, việc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu thành công sẽ tác động vào xuất khẩu mạnh mẽ đặc biệt là các doanh nghiệp đã đi qua bước lọc của năm 2013 khó khăn, trụ được sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Các yếu tố này tích tụ tạo chu kỳ tăng trưởng trong thời gian tới bắt đầu trong năm 2014 này.

Điểm mấu chốt cuối cùng là chương trình cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn FII trong thời gian tới. Theo ông Tân, những năm trước các quỹ tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài đều lỗi hẹn với họ. Để dòng vốn chảy mạnh vào Việt Nam, ngoài việc hàng hóa trên sàn tốt, mở room, để tập trung mạnh mẽ và quảng bá các sản phẩm quỹ ra thị trường quốc tế thì phải dựa trên việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn.

Kênh đầu tư hấp dẫn

Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) mới đây đã công bố "Báo cáo triển vọng 2014", trong đó nhận xét, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2013 đã qua đi với những thành công rực rỡ ở cả hai chỉ số khi tăng rất tốt đến 20,62% (VN-Index) và 14,76% (HNX Index). Bước sang năm 2014, VCBS nhận định, chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh khác. Nguyên nhân là do vàng sẽ kém hấp dẫn khi NHNN tiếp tục tham gia điều tiết giá vàng, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, tương đương mức trong năm 2013 (có thể thấp hơn). Trong khi đó, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và điều chỉnh không quá 2%, vì thế kênh ngoại tệ cũng không phải là nơi đầu tư hấp dẫn.

Điều này đã được chứng minh bằng các con số tăng trưởng cụ thể của thị trường chứng khoán trong 2 tháng đầu năm 2014. Theo đó, VN-Index chốt phiên ngày 28/2 tại 586,48 điểm, tăng 81,85 điểm, tương đương tăng 16,22% so với cuối năm 2013. Như vậy, mức tăng của 2 tháng đã bằng 73,73% so với tỷ lệ tăng trưởng thị trường của cả năm 2013.

Với tổng số 36 phiên giao dịch đầu năm, chỉ số sàn HOSE đã có tới 26 phiên tăng điểm, chiếm áp đảo so với 10 phiên giảm. Trong đó VN-Index đã thiết lập chuỗi 13 phiên tăng liên tiếp từ 3/1 đến 21/1 với tổng số điểm ghi được là 55,4 điểm.

Theo số liệu công bố của HOSE, trong năm 2013, khối lượng giao dịch bình quân ngày đạt 64,48 triệu chứng khoán với tổng giá trị 1.060 tỷ đồng. Nhưng trong 2 tháng, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tại HSX đã đạt 1.817 tỷ đồng.

Cũng trong 2 tháng qua, thanh khoản thị trường chứng khoán đã có một dấu ấn mới vào phiên 20/2 khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 259 triệu đơn vị, ứng với 4.032 tỷ đồng giao dịch.

Nhóm phân tích của VCBS cũng cho biết kỳ vọng mức tăng chung của thị trường có thể sẽ đạt khoảng 15% trong năm 2014 thông qua báo cáo mới ban hành. Cũng theo VCBS, tâm điểm của thị trường chứng khoán năm nay sẽ tập trung tại các cổ phiếu Xuất khẩu, Xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ kèm theo, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp dẫn đầu trong các ngành này.

VN-Index sẽ đạt trên 650 điểm, thậm chí có thể đạt mốc 700 điểm vào cuối năm 2014 là nhận định được đưa ra bởi ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities, Hàn Quốc khi trao đổi với báo giới tại Việt Nam mới đây.

Ông Yun Hang Jin cho biết thêm các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức của Hàn Quốc gần đây cực kỳ quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề minh bạch thông tin là ngưỡng cản dòng vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi đưa ra các quyết định đầu tư…