Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank cho biết, 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt mức lợi nhuận kỷ lục 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ và đứng đầu trong nhóm ngân hàng cổ phần.

Trong bài phỏng vấn với VnExpress, lãnh đạo Techcombank lý giải về sự tăng, giảm trong hoạt động kinh doanh và chia sẻ về những kế hoạch sắp tới.

 

- Yếu tố nào khiến ngân hàng đạt kỷ lục về lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm nay?

- 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận của chúng tôi cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập hoạt động, do ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu bán cho công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).

Thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh, đạt 13.294 tỷ đồng, tương đương mức tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2018, chúng tôi tự tin sẽ cán đích kế hoạch 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Để đạt kết quả như hiện tại, Techcombank đã xây dựng nền tảng từ 5 đến 6 năm trước. Trong những năm này, doanh thu của ngân hàng đều tăng 25-30% mỗi năm và lẽ ra lợi nhuận cũng phải tăng tương ứng. Tuy nhiên, khi đó, Hội đồng quản trị Techcombank quyết định mỗi năm đều trích lợi nhuận để giải quyết nhanh nợ xấu tồn đọng.

Do trích dự phòng liên tục trong nhiều năm nên dự kiến đến năm 2019, cơ bản ngân hàng không còn nợ xấu từ nhiều năm trước mà chỉ còn những khoản nợ mới phát sinh trong thời gian gần đây. Ngoài ra, nợ xấu những năm trước khi xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro thì nay ngân hàng thu lại được, giúp làm giảm thêm tỷ lệ nợ xấu hiện tại.

Như vậy, có thể nói lợi nhuận ngày hôm nay Techcombank có được là thành quả của việc hy sinh lợi nhuận ngân hàng để giải quyết nợ xấu từ những năm trước. Nói cách khác, lợi nhuận bản chất đã được dồn đắp từ nhiều năm và bây giờ mới trồi lên.

- Mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục của năm nay có thể trở thành áp lực cho những năm sau. Ông đánh giá gì về nhận định này?

- Thực ra, áp lực nhiều nhất là doanh thu nhưng chúng tôi cũng có thuận lợi là hiện nay nhu cầu vay của khách hàng lớn so với dòng tiền mà ngân hàng có thể giải ngân cho khách hàng. Vấn đề là chúng tôi cân nhắc sẽ giải ngân cho ai và điều đó phụ thuộc vào đánh giá rủi ro của ngân hàng.

- Việc Ngân hàng Nhà nước giới hạn hạn mức tăng trưởng tín dụng cộng với giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ảnh hưởng gì đến kết quả kinh doanh trong thời gian tới?

- Điều này có ảnh hưởng đến kinh doanh của các ngân hàng nói chung nhưng các quy định này cần thiết, vì chúng ta đang đi theo những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị rủi ro ngân hàng, nhất là quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Việc giới hạn mức tăng trưởng tín dụng ngân hàng cũng cần thiết vì nếu tín dụng tăng quá nhanh sẽ gây lạm phát, bong bóng, nhất là những lĩnh vực kinh tế cần nhiều nguồn đầu tư dài hạn

Đi theo định hướng này từ sớm nên chúng tôi đã thay đổi chiến lược bằng cách giúp các doanh nghiệp lớn huy động vốn dài hạn sang phương án phát hành trái phiếu. Ngân hàng chỉ giải quyết nhu cầu tài chính ngắn hạn, dòng tiền lưu động cho doanh nghiệp.

Song song đó, nhà băng tập trung đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và con người để quản lý theo chiến lược mới. Việc này đã bắt đầu từ 3 năm trước, giúp Techcombank không bị chật vật khi những chỉ số mới được bắt đầu áp dụng vào ngành tài chính ngân hàng ở Việt Nam.

Hiện chúng tôi chủ động giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống dưới 40% trước 1/1/2019 để đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.
 

- Ông lý giải gì về việc nguồn thu tín dụng giảm từ mức 53% xuống 48%?

- Đây là kết quả của định hướng chiến lược và chủ động của ngân hàng. Rủi ro tín dụng là một trong những trụ cột cần quản lý chặt chẽ nhất. Nếu ngân hàng càng tập trung cho vay, càng tăng trưởng tín dụng thì rủi ro tín dụng càng tăng. Chưa kể hệ thống ngày càng lớn thì rủi ro vận hành cũng tăng theo. Do vậy, ngân hàng phải chủ động giảm bớt để cân bằng giữa rủi ro tín dụng rủi ro thanh khoản và rủi ro vận hành.

Hiện, chúng tôi không tập trung tăng tín dụng nhiều mà tập trung vào những dịch vụ tài chính mà khách hàng cần. Nhìn lại trong hệ thống, nhu cầu tín dụng chỉ là một khoản nhỏ trong tất cả những nhu cầu về tài chính của người dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng những nhu cầu phi tín dụng đòi hỏi thời gian xây dựng hệ thống, đầu tư công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ nhân viên.... Nhưng chúng tôi đã bắt đầu lộ trình này từ nhiều năm trước nên đang tập trung đáp ứng những nhu cầu về dịch vụ tài chính phi tín dụng cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

- Nguồn thu từ dịch vụ đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong doanh thu của Techcombank?

- Hiện 40% trong hơn 7.774 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đến từ nguồn thu dịch vụ. Trong đó một nửa là nguồn thu dịch vụ từ khách hàng cá nhân, còn lại là thu dịch vụ từ các công ty lớn, phát hành trái phiếu... Đến cuối năm con số này sẽ là 42% và kỳ vọng trong từ hai đến ba năm tới nguồn thu từ dịch vụ sẽ chiếm 50% lợi nhuận của ngân hàng và phần còn lại là thu từ tín dụng.

Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tới tăng 10-20%. Trong trường hợp hạn mức tín dụng được cấp trong năm tới ở mức dưới 20%, ngân hàng sẽ bù lại bằng nguồn thu từ dịch vụ. Điều này xem ra khá khả thi vì hiện nay tốc độ tăng nguồn thu từ dịch vụ đang lớn hơn tốc độ tăng nguồn thu từ tín dụng.



Techcombank tự tin sẽ cán đích kế hoạch 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2018.

 Techcombank vừa xin Ngân hàng nhà nước nới room cho vay trong những tháng cuối năm. Kế hoạch này đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Chúng tôi nằm trong số ít ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ mức 14% lên 20% từ tháng 10 do tình hình tài chính lành mạnh, xử lý tốt nợ xấu, vốn chủ sở hữu cao... Điều này đồng nghĩa chúng tôi có thêm từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong quý bốn năm nay.

Đây chính là nền tảng tạo dịch vụ tài chính mà ngân hàng mong sẽ giải quyết được nhu cầu vay vốn cuối năm của mọi phân khúc khách hàng từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cho đến khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, mua xe, sắm sửa đón Tết... Vì nếu không được tăng dư nợ thì khách hàng xếp hàng chúng tôi cũng không giải quyết được.

Với hạn mức được tăng thêm, chúng tôi sẽ hướng vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn để dự trữ hàng hoá bán tết vì trong những quý cuối năm nhu cầu vay vốn của đối tượng này rất nhiều. Những doanh nghiệp nhỏ này cũng chỉ cần vốn theo thời vụ và không đủ khả năng để vay vốn từ đầu năm trữ hàng chờ cho mùa cuối năm.

- Định hướng tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới là gì?

- Chúng tôi vẫn hạn chế cho vay dài hạn cho những công ty lớn đồng thời tiếp tục tư vấn và hướng các doanh nghiệp lớn huy động vốn từ thị trường tài chính thông qua phát hành trái phiếu. Việc này giải quyết được 2 vấn đề là nhu cầu huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư với lãi suất cao hơn so với lãi suất gửi tiền tại ngân hàng của khách hàng. Ở đây, ngân hàng đóng vai trò kết nối giữa cung và cầu .

Mục tiêu đến hết năm 2020, chúng tôi sẽ đưa tỷ trọng cho vay doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngang bằng với tỷ trọng dư nợ của khách hàng cá nhân.

Chúng tôi tiếp tục phục vụ tín dụng đối với khách hàng cá nhân đối với nhu cầu cho vay mua nhà, mua xe nhằm phục vụ nhu cầu sống, dựa trên nguồn thu nhập ổn định và có tài sản đảm bảo. Ngân hàng không phục vụ nhu cầu vay mua nhà để mua đi bán lại trên thị trường, cũng như các khoản tiêu dùng cá nhân có tính chất ngắn hạn

- Doanh số thanh toán thẻ Visa của Techcombank đứng đầu hệ thống nhưng thị trường thanh toán đang chuyển hướng tích hợp vào điện thoại. Techcombank sẽ làm gì trước sự bùng nổ của xu hướng thanh toán không tiền mặt?

- Để có thể đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết, người dân phải bỏ tiền vào ngân hàng để giao dịch hàng ngày. Hiện Techcombank là một trong những ngân hàng dẫn đầu về các dịch vụ liên quan đến Mobile Banking.

Tuy vậy, thói quen thanh toán tiền mặt vẫn còn. Hiện 2/3 thị trường vẫn dùng tiền mặt song các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ phát triển rất nhanh. Nếu không chuẩn bị ,ngân hàng sẽ qua mặt, bị mất cơ hội. 

Trở lại câu chuyện thanh toán thẻ. Đây không phải là hệ thống trong tương lai nhưng thói quen giao dịch bằng thẻ thay vì giao dịch bằng tiền mặt chính là điều kiện cần để thúc đẩy các hình thức thanh toán hiện đại, trong đó có app, ví điện tử... Người ta phải thay đổi thói quen, còn ngân hàng cần tập trung nhiều vào việc thay đổi thói quen đó.

Huệ Chi

-+-

Tỷ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank vào thời điểm cuối tháng 9/2018 đạt mức 14,33%, cao hơn so với cùng kỳ do mức độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản.

Bên cạnh đó, ngân hàng duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE-%) cao, ở mức 25,4% và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA-%) là 3,2%. Cả hai chỉ số này của Techcombank đang ở mức hàng đầu giữa các ngân hàng trong nước và trong khu vực.

Cơ cấu bảng cân đối kế toán cũng tiếp tục có sự chuyển dịch theo định hướng chiến lược của ngân hàng. Tính đến hết tháng 9/2018, Techcombank đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17%.