Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 1,31% so với thời điểm cuối năm 2013. Điều này cho thấy thị trường tín dụng đã tăng bứt phá, từ 0,62% (tháng 4) lên 1,41% (tháng 5).

Lãi suất hợp lý

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khoảng 0,5-1,5% so với thời điểm cuối 2013. Riêng lãi suất cho vay VND cũng giảm đáng kể. Cụ thể, đối với 5 lĩnh vực ưu tiên ( bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) lãi vay phổ biến ở mức 7-8%/năm. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn đang ở mức 9-10%/năm đối với các khản vay thông thường, riêng lãi suất cho vay trung – dài hạn hiện cũng chỉ xoay quanh 10,5-12%/ năm, trong khi ở thời điểm cuối năm 2013, lãi vay trung – dài hạn vẫn ở mức 13-15%/ năm.

Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 28-5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, chỉ còn 15% tính trên tổng dư nợ cho vay bằng VND có mức lãi suất trên 15%/ năm, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% (tính ở thời điểm giữa năm 2012). Bên cạnh đó, dư nợ có lãi suất trên 13%/ năm cũng giảm từ 31% (1 năm trước), xuống còn 15%. Ngoài ra, một số ngân hàng còn tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay ở mức 6-7%/nămđối với một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tương tự, trong mấy tháng qua, tín dụng ngoại tệ cũng có nhiều điều kiện để tăng trưởng tốt. Hiện tại, lãi suất vay ngoại tệ tương đối ổn định, giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm so với tháng trước. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ hiện đang phổ biến ở mức 3-7%/ năm, trong đó, cho vay ngắn hạn khoảng 3-6%/ năm và trung – dài hạn khoảng 5,5-7%/ năm.

Nhiều cơ hội đẩy mạnh cho vay

Theo nhiều đánh giá, trong nửa năm còn lại của năm 2014, thị trường tiếp tục có những dấu hiệu khả quan khuyến khích người vay tiền. Đầu tiên, kinh tế vĩ mô theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tiếp tục có những dấu hiệu tốt. Lạm phát tiếp tục ổn định, xoay quanh mức 5%, tạo nền tảng cho lãi suất huy động ổn định, đồng thời tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp trong những tính toán làm ăn. Báo cáo mới nhất vừa công bố cuối tháng 5 của ủy ban này cũng nhận định, tình hình sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, trong 8 tháng lại đây, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đơn đặt hàng về nhiều và ổn định hơn giai đoạn trước, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung cũng tốt hơn.

Về phía bản thân các ngân hàng, lợi nhuận quý 1 là một trong những điều kiện tiên quyết để ngân hàng đẩy mạnh tín dụng trong những tháng còn lại của năm. Báo cáo công bố lợi nhuận quý 1 của một số ngân hàng cho thấy, lợi nhuận tăng đã khiến họ tự tin hơn hẳn trong việc cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho khách vay. Trong đó, một số ngân hàng như Eximbank, SHB, VIB đều đạt những kết quả khả quan trong quý 1. Đặc biệt, nổi bật nhất về  lợi nhuận quý I/2014 phải kể đến Techcombank. Ngân hàng này cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế quý 1 khoảng 673 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2013 và đã đạt 57% mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2014. Nếu so sánh với lợi nhuận cả năm 2013 mà TCB đạt được là 878 tỷ đồng, thì lợi nhuận của Techcombank quý I năm nay đã bằng 76,6%.

Về mục tiêu và các lĩnh vực ưu tiên cho vay trong những tháng còn lại của năm 2014, có thể thấy 2 xu hướng khá rõ ràng: trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp có quy mô lớn cùng một số lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ như nông nghiệp – nông thôn, thì khối ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ hơn lại năng động hơn khi hướng “mũi” tín dụng của mình vào các mảng: bán lẻ, dịch vụ, cho vay tiêu dùng, cho vay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nhiều ngân hàng như Techcombank, MB hay SHB cũng liên tục tung ra các gói hỗ trợ lãi suất vay cho tiêu dùng, bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi và thời hạn giải ngân nhanh chóng. Chính vì vậy, nhóm ngân hàng này hiện vẫn chiếm ưu thế lớn trên thị trường bán lẻ và dịch vụ.