• Kinh tế Việt Nam 2015 đứng trước nhiều cơ hội để tiếp đà phục hồi với kỳ vọng tăng trưởng GDP vào khoảng 6.0-6.2%, cao hơn mức kỳ vọng 5.9% của năm 2014.
  • Chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm dưới tác động của giá năng lượng giảm mạnh. Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cá nhân có năng lực tài chính yếu kém sẽ vẫn khó tiếp cận vốn vay.
  • Sức cầu về hàng hóa dịch vụ vẫn yếu do thu nhập chậm cải thiện nhưng sẽ khả quan hơn trong năm 2015 khi mặt bằng giá cả tiếp tục ổn định.
  • Bên cạnh môi trường lãi suất thấp, nhiều quy định có lợi cho thị trường bất động sản (BĐS) liên tục được ban hành trong thời gian qua. Năm 2015 sẽ là một năm nhiều hứa hẹn của thị trường này.
  • Các hiệp định Thương mại sắp được ký kết tạo điều kiện phát triển thuận lợi mà cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp trong nước.
 

Kinh tế Việt Nam 2015 đứng trước nhiều cơ hội để tiếp đà phục hồi với kỳ vọng tăng trưởng GDP vào khoảng 6.0-6.2%, cao hơn mức kỳ vọng gần 5.9% của năm 2014

Động lực chính cho kinh tế Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục là: (i) môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho lĩnh vực kinh doanh và đầu tư với lãi suất và chi phí đầu vào đều ở mức thấp, (ii) hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng và xuất khẩu của khu vực FDI nói riêng, (iii) hoạt động xuất khẩu của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn tiếp tục xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam để tận dụng các ưu đãi chính sách, nhân công và nguyên nhiên liệu giá rẻ, cũng như đón đầu cơ hội tham gia Hiệp định Đối tác xuyên TBD (TPP) và hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do khác giữa Việt Nam và các nước. Khu vực này sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể về cả kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP trong 2015.

Khối doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân hứa hẹn sẽ bớt khó khăn và dần phục hồi do lãi suất cho vay đã liên tục được giảm xuống mức thấp. Thị trường bất động sản sau khi chạm đáy đã bắt đầu phục hồi cùng với sự hỗ trợ bởi nhiều chính sách vừa ban hành vào cuối 2014 cũng như mặt bằng lãi suất thấp khuyến khích đầu tư nhà đất.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều rủi ro mà nền Kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2015:

Kinh tế thế giới nguy cơ tăng trưởng chậm lại đặc biệt là khu vực châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu cũng như xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp FDI.

Giá hàng hóa nguyên liệu thô và năng lượng giảm mạnh ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam do đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước, trong khi Việt Nam nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng có giá trị cao do đó cán cân thương mại sẽ bị bất lợi.

Mất cân đối chi tiêu Ngân sách khi 70% chi ngân sách là dùng để chi thường xuyên, chỉ có 17% là cho đầu tư phát triển, phần còn lại là để trả nợ gốc. Giá dầu giảm cũng làm giảm đáng kể nguồn thu NSNN khiến Chính phủ có thể phải phát hành nhiều nợ hơn, cạnh tranh vốn với khu vực tư nhân và làm tăng mặt bằng lãi suất.

Đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền mạnh khác cũng như các đồng tiền khác trong khu vực, gây ra áp lực giảm giá đồng Việt Nam.

Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những điểm đáng chú ý của bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
 
 

Chi phí đầu vào của doanh nghiệp giảm dưới tác động của giá năng lượng giảm mạnh.

Sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) tuyên bố không cắt giảm sản lượng trong cuộc họp ngày 27/11, giá dầu thô hiện đã trượt xuống dưới 70$/thùng, giảm gần 39% từ đầu năm, khiến giá xăng dầu trong nước cũng giảm khoảng 24% trong cùng giai đoạn.

Điều này sẽ có lợi cho nhiều doanh nghiệp, trong đó hưởng lợi trực tiếp là các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp sản xuất các chiết xuất từ dầu mỏ như phân bón, hóa chất, nhựa, cao su nhân tạo, các ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu để chạy máy công nghiệp, nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, luyện kim.

Các tổ chức quốc tế dự báo giá dầu sẽ quanh ngưỡng 90$/thùng trong năm 2015, thấp hơn mức trung bình 102$/thùng của năm 2014. Ngoài giá năng lượng, nhiều hàng hóa là nguyên liệu đầu vào khác cũng đang trong xu hướng giảm là nông sản, quặng và kim loại, sơ sợi. Những ngành nghề có nguyên liệu đầu vào là những mặt hàng này sẽ được hưởng lợi trong khi những doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng này se bị giảm doanh thu.
 
 

Mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ tài chính cho đầu tư và tiêu dùng.

Giá hàng hóa thế giới dự báo sẽ ở mức thấp trong năm 2015 góp phần kiềm chế lạm phát trong nước. Chúng tôi dự báo CPI sẽ chỉ tăng 4-4.5% trong năm 2015, điều này sẽ tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ duy trì mức lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp ít nhất là hết năm sau.

Lãi suất cho vay hiện đã ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, các khoản vay kinh doanh thông thường ngắn và dài hạn nhìn chung hiện dao động quanh mức 10%. Đây là 1 yếu tố tích cực cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng kinh doanh sản xuất, còn cá nhân vay mua sắm hàng hóa lâu bền, mua và đầu tư bất động sản.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tín dụng sẽ được giải ngân ồ ạt. Hiện các ngân hàng vẫn khá thận trọng trong việc cấp phép tín dụng khi mà nỗi lo nợ xấu vẫn còn, mặc dù tín dụng giải ngân chậm.

Doanh nghiệp và cá nhân có năng lực tài chính yếu kém sẽ vẫn khó tiếp cận vốn.

Để nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro cho vay trong hệ thống ngân hàng, NHNN đã áp dụng các biện pháp phân loại nợ và trích lập dự phòng mới bằng Thông tư 02, hạn chế ủy thác cấp tín dụng bằng Thông tư 30.

Phân loại nợ theo Thông tư 02 sẽ chính thức được áp dụng kể từ 1/4/2015, theo đó nợ sẽ dễ bị chuyển sang nhóm có rủi ro cao hơn, nếu doanh nghiệp không thực hiện thanh toán đầy đủ và kịp thời, so với quy định cũ. Phân loại nợ của khách hàng (mà giao dịch ở nhiều ngân hàng) sẽ được áp dụng thống nhất theo mức đánh giá chặt chẽ nhất do CIC tổng hợp từ các ngân hàng. Do đó, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn trước nếu cho vay những doanh nghiệp có các khoản nợ quá hạn, nợ xấu, nợ khó đòi.

Tuy nhiên, điều này phần nào lại có lợi cho những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt bởi các ngân hàng sẽ sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho vay những doanh nghiệp này để thúc đẩy tín dụng.
 
 

Sức cầu về hàng hóa dịch vụ vẫn chưa mạnh, dù sẽ dần được cải thiện trong năm 2015

Cầu tiêu dùng sẽ khó cải thiện mạnh mẽ trong năm 2015. Tình hình SXKD còn ảm đạm khiến thu nhập chậm cải thiện. Lương tối thiểu sẽ được tăng thêm 250,000 - 400,000 VND từ 1/1/2015. Tăng lương cơ bản 2015 sẽ chỉ áp dụng cho một bộ phận nhỏ là người hưu trí, người có công và viên chức có hệ số lương thấp với tổng mức chi từ ngân sách là 11,000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 22,000 tỷ đồng năm 2013 và 60,000 tỷ đồng năm 2012.

Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm và giá hàng hóa ổn định ở mức thấp khiến sức mua hứa hẹn sẽ khả quan hơn năm ngoái. Ngoài ra, người tiêu dùng đang cho thấy sự tự tin của họ về khả năng tài chính trong dài hạn là có cải thiện. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan đã tăng 6.2 điểm lên 140.9  trong tháng 11, còn chỉ số do Nielsen công bố tăng 3 điểm lên mức 101 trong quý 3.
 
 

Thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục

Bên cạnh môi trường lãi suất thấp, nhiều quy định có lợi cho thị trường bất động sản (BĐS) liên tục được ban hành trong thời gian qua. Năm 2015 sẽ là một năm nhiều hứa hẹn của thị trường BĐS.

Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho phép cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài được sở hữu tất cả các loại hình nhà ở (trước đây chỉ được áp dụng với căn hộ chung cư), không giới hạn về diện tích, với nhiều mục đích sử dụng như cho thuê lại, mua bán, thừa kế hoặc thế chấp (trước đây, người nước ngoài chỉ được mua nhà với mục đích dùng để ở). Hai quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm (mặc dù có thể được gia hạn) và số lượng bất động sản được sở hữu tối đa là 30%/một tòa nhà chung cư và 250 căn/một đơn vị hành chính cấp phường. Nhưng giới hạn này cũng đã được nới lỏng nhiều so với quy định trước đây “một người nước ngoài chỉ được phép mua 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam”.

Điều luật mới không chỉ giúp gia tăng lượng cầu tiềm năng cho thị trường BĐS, mà còn đánh dấu mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần tạo ra 1 sân chơi bình đẳng, minh bạch và chuyên nghiệp hơn, cải thiện niềm tin vào môi trường đầu tư trong lĩnh vực BĐS.

Nếu Luật Nhà ở giúp gia tăng lượng cầu, thì Luật kinh doanh BĐS sửa đổi hiệu lực từ 1/7/2015 quy định điều kiện DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định trên 20 tỷ và chủ đầu tư phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Những quy định mới này làm hạn chế khả năng tham gia thị trường của các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém, từ đó ổn định nguồn cung.

Bên cạnh đó, Thông tư 32, do NHNN ban hành có hiệu lực từ 25/11/2014, sẽ góp phần thúc đẩy việc giải ngân gói 30,000 tỷ. Thông tư bổ sung cho vay đối với nhà ở thương mại có giá trị hợp đồng không quá 1.05 tỷ đồng, được vay để xây mới, sửa chữa nhà ở, cá nhân xây nhà xã hội cho thuê, thuê mua hoặc bán, nới thời hạn vay lên 15 năm so với quy định trước đây là 10 năm. Ngân hàng cho vay vốn có thể là các NHTM cổ phần.

Bên cạnh Thông tư 32, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 36 ban hành ngày 20/11/2014 quy định về đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng. Trong đó đáng chú ý là hệ số rủi ro cho vay đối với BĐS giảm từ 250% xuống 150%, tạo thêm đà phục hồi cho thị trường BĐS khi tín dụng hứa hẹn được giải ngân mạnh hơn cho lĩnh vực này.

Triển vọng cho các ngành từ các hiệp định thương mại sắp được ký kết

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm Thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, dự kiến sẽ ký kết trong nửa đầu 2015. Các ngành có thể hưởng lợi ngay là dệt may, giầy dép, sản phẩm từ gỗ, hải sản. Các ngành có tiềm năng phát triển trong trung dài hạn là dịch vụ cảng biển và hậu cần. Những ngành sẽ gặp thách thức là bảo hiểm, tài chính ngân hàng, bán lẻ, hàng tiêu dùng. Những ngành có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực ngay sẽ là sản xuất xe hơi và chăn nuôi gia súc, còn về dài hạn sẽ là gạo và dược phẩm.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA VN-EU) hiện đang được đẩy nhanh quá trình thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Các ngành có thể được hưởng lợi là dệt may, giầy dép, hải sản, nông sản. Các ngành sẽ ít nhiều gặp thách thức là hàng tiêu dùng, dịch vụ cảng biển và hậu cần.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), kỳ vọng sẽ hoàn tất việc ký kết trước năm 2015. Các lĩnh vực đàm phán bao gồm: Thương mại hàng hoá (giảm và xoá bỏ thuế quan, quy tắc xuất xứ,...), thương mại dịch vụ (giảm và bỏ quy định về đầu tư nước ngoài trong thương mại dịch vụ qua biên giới, bán lẻ,...), lĩnh vực đầu tư.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) dự kiến sẽ ký kết vào cuối 2014 cho phép nhiều hàng hóa của Việt Nam được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với FTA Hàn Quốc - ASEAN, đặc biệt những dòng thuế thuộc hạng mục nhạy cảm và nhạy cảm cao như nông sản, thủy sản sẽ được cắt giảm nhiều hơn và nhanh hơn khi nhập khẩu vào Hàn Quốc. Các ngành có thể sẽ được hưởng lợi là dệt may, hải sản.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các quy tắc hợp tác kinh tế giữa Việt Nam, Nga, Belarus, Kazakhstan, kỳ vọng có thể kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Các ngành nghề khả năng được hưởng lợi là dệt may, hải sản, gạo, chăn nuôi gia súc trong khi đó ngành có thể bị ảnh hưởng là ngành thép.
 
 

 

 

 



MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo này (“Báo cáo”) do Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) soạn thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Khách hàng của Techcombank. Khách hàng có thể sao chép hoặc trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hay toàn bộ Báo cáo này với điều kiện việc sao chép, trích dẫn phải giữ đúng bản quyền và ghi chú rõ ràng về bản quyền của Techcombank.
Báo cáo này được xây dựng dựa trên các ý kiến chuyên nghiệp được đưa ra một cách cẩn trọng, độc lập và căn cứ vào các nguồn thông tin được cho là đáng tin cậy vào ngày ban hành Báo cáo này. Tuy nhiên, mọi nhận định trong Báo cáo này đều là ý kiến riêng của tác giả. Techcombank không cam kết và bảo đảm về sự chính xác, kịp thời, hoàn chỉnh và ổn định của các thông tin trong báo cáo dưới bất kỳ tình huống nào. Techcombank không có nghĩa vụ phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin sau khi báo cáo được phát hành.
Báo cáo này không phải là và không được coi là hoạt động tư vấn hoặc là các khuyến nghị hoặc ý kiến tư vấn đầu tư, tài chính, tư vấn mua, bán bất kỳ sản phẩm nào hoặc tư vấn cho bất cứ hoạt động kinh doanh nào và không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào, bao gồm cả Techcombank và/hoặc các chi nhánh và công ty con của Techcombank. Khách hàng được khuyến cáo nên coi những thông tin được cung cấp trong báo cáo như là một nguồn thông tin tham khảo và Khách hàng nên sử dụng dịch vụ tư vấn, luật sư chuyên nghiệp khi đưa ra các quyết định kinh doanh, đầu tư của mình. Techcombank, tác giả báo cáo, lãnh đạo và/hoặc nhân viên của Techcombank sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào liên quan đến báo cáo này trong bất kỳ tình huống nào.
Nếu khách hàng có bất kỳ bình luận, câu hỏi hoặc mối quan tâm đặc biệt nào về các thông tin đề cập trong báo cáo xin liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ sau:
Phòng phân tích Kinh tế và Thị trường    
Khối nguồn vốn và thị trường tài chính – Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam
Tầng 18, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: KNV-PhongPhantichKinhtevaThiTruong@techcombank.com.vn