- Chỉ số CPI 10 tháng đầu năm 2014 tăng 2.36%, mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Lạm phát trong cả năm nay ước đạt quanh mức 3%.
- Năm 2015 vẫn chưa nhìn thấy những áp lực tăng giá rõ ràng. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước sẽ chưa phục hồi mạnh. Giá hàng hóa, năng lượng và lương thực thực phẩm (LTTP) khó bật tăng mạnh trong 2015. Chúng tôi dự báo giá LTTP và hàng hóa tiêu dùng không do Nhà nước quản lý sẽ tăng tổng cộng khoảng 4.5% trong năm 2015.
- Năm 2015 sẽ có vài đợt tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, điện-nước, tuy nhiên mức tăng khả năng sẽ không mạnh như năm 2012 và tác động được đánh giá là không lớn. Tính cả các mặt hàng này, CPI tổng thể 2015 dự báo tăng khoảng 4-4.5%.
- Mặc dù vậy, những rủi ro tăng giá mạnh do Nhà nước quản lý nếu xảy ra cũng khó trở thành nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất, và khả năng mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ tiếp tục duy trì trong suốt 2015.
Chỉ số CPI 10 tháng đầu năm 2014 tăng 2.36%, mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Lạm phát trong cả năm nay ước đạt quanh mức 3%.
Nhìn từ cấu thành, nguyên nhân khiến mức tăng CPI giảm mạnh từ 6% cuối năm 2013 xuống khoảng 3% ước cuối năm 2014 chủ yếu do mức tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục, giao thông, điện-nước) giảm mạnh so với năm ngoái, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, trong khi các mặt hàng LTTP và hàng tiêu dùng khác vẫn duy trì đà tăng giá ổn định ở mức thấp.
Xét về áp lực gây ra lạm phát, hiện có 3 nhóm áp lực chính là (1) sức cầu tiêu dùng của nền kinh tế, (2) giá cả hàng hóa, năng lượng, LTTP bên ngoài, và (3) giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Ngoài ra còn có rủi ro từ thiên tai dịch bệnh ảnh hưởng đến giá LTTP trong nước, nhưng tác động thường mang tính nhất thời và không trên diện rộng.
Cầu tiêu dùng chưa phục hồi mạnh mẽ cùng với giá cả hàng hóa, năng lượng, LTTP trên thế giới đều trên xu hướng giảm khiến giá LTTP trong nước chỉ tăng 3.7% và giá các hàng hóa tiêu dùng khác tăng 3.23% trong 1 năm qua.
Tính đến tháng 10, giá các mặt hàng do nhà nước quản lý tăng tổng cộng 2.3% so cùng kỳ và đã không bị điều chỉnh sốc như năm 2012 và 2013. Trong đó so với cùng kỳ, giá giáo dục tăng 9%, giá y tế tăng 2.2%, giá giao thông giảm nhẹ 0.4% (mặc dù giá bán lẻ xăng dầu giảm khoảng 4%), giá điện-nước tăng khoảng 1%.
Năm 2015 vẫn chưa nhìn thấy những áp lực tăng giá rõ ràng. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước sẽ chưa phục hồi mạnh. Giá hàng hóa, năng lượng và LTTP khó bật tăng mạnh trong 2015. Chúng tôi dự báo giá LTTP và hàng hóa tiêu dùng không do Nhà nước quản lý sẽ tăng tổng cộng khoảng 4.5% trong năm 2015.
Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước phục hồi chưa mạnh
Cầu tiêu dùng sẽ chưa thể cải thiện mạnh mẽ trong năm 2015. Tình hình SXKD còn ảm đạm khiến thu nhập chậm cải thiện. Tăng trưởng tín dụng sẽ chưa bứt phá trong năm 2015 do nhu cầu vốn còn hạn chế, việc áp dụng chuẩn nợ mới làm cho hoạt động tín dụng trở nên an toàn hơn, nhưng cũng chặt chẽ hơn.
Tăng lương tối thiểu thêm 15% lên mức 3.1 triệu đồng (khu vực thành thị) được thực hiện từ 1/1/2015 sẽ không có nhiều tác động do đại đa số bộ phận người dân ở thành phố có thu nhập trên mức này. Tăng lương cơ bản 2015 vẫn đang phải cân nhắc do khó khăn trong cân đối ngân sách.
Giá hàng hóa, năng lượng và LTTP khó bật tăng mạnh trong 2015
Kinh tế thế giới đang thể hiện một bức tranh đối lập. Khu vực EU, Nhật Bản và Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong khi cường quốc số 1 thế giới là Mỹ cho tín hiệu kinh tế lạc quan, khiến đồng USD mạnh lên và dẫn tới sự giảm giá xuống mức thấp nhất 5 năm của các loại hàng hóa (nguyên liệu, năng lượng, nông sản,…) trên thị trường quốc tế.
Do vậy, trong khi Fed vừa kết thúc gói mua tài sản QE3 thì châu Âu đã bắt đầu mua vào trái phiếu có tài sản đảm bảo và Nhật công bố tăng tốc độ bơm tiền hàng năm từ 70 nghìn tỷ Yên lên 80 nghìn tỷ Yên, khiến đồng USD càng mạnh lên và giá hàng hóa tiếp tục neo ở mức thấp.
Chúng tôi cho rằng giá hàng hóa thế giới sẽ tăng mạnh nếu:
• Fed đưa ra các biện pháp nới lỏng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ lao dốc hoặc rơi vào suy thoái, những sự kiện này đều làm đồng USD yếu đi. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vì hiện Fed vẫn trong tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ khi kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc;
• Hoặc các chính sách nới lỏng mà châu Âu và Nhật Bản thực hiện phát huy tác dụng thực sự với bằng chứng là các chỉ số kinh tế trở nên cải thiện hơn, khi đó đồng tiền các nước này sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng này trước mắt càng làm EUR và JPY giảm giá so với USD, và diễn biến kinh tế Nhật và Châu Âu cùng đồng tiền của họ mạnh lên khả năng chỉ xảy ra trong trung dài hạn.
Với việc Fed sẽ nâng lãi suất trong năm sau trong khi kinh tế các cường quốc ngoài Mỹ chưa có tín hiệu lạc quan, giá nguyên nhiên liệu và nông sản trên thế giới khả năng phục hồi chậm, giúp giá cả trong nước ổn định trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu thô sẽ bị ảnh hưởng nếu giá thế giới tiếp tục thấp và không có sự điều chỉnh tỷ giá USD/VND nhằm lợi cho xuất khẩu, gián tiếp tác động xấu đến thu nhập của người lao động.
Với giả định tăng trưởng tín dụng năm sau khoảng 12% và giá LTTP, giá nguyên nhiên liệu 2015 sẽ chỉ phục hồi về mức cao của năm 2014, chúng tôi dự báo giá LTTP và hàng hóa tiêu dùng không do Nhà nước quản lý sẽ tăng tổng cộng khoảng 4.5% trong năm 2015.
Năm 2015 sẽ có vài đợt tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, điện-nước, tuy nhiên mức tăng khả năng sẽ không mạnh như năm 2012 và tác động được đánh giá là không lớn. Tính cả các mặt hàng này, CPI tổng thể 2015 dự báo tăng khoảng 4-4.5%.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng 20% nhưng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý (dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, giao thông) từng được tăng sốc trong những năm trước. Ví dụ năm 2012, riêng giá y tế tăng 64% tính trên quy mô cả nước đã khiến CPI tăng thêm 3.18%.
Đối với dịch vụ y tế, hầu hết các tỉnh đã điều chỉnh hết hoặc gần hết khung giá cho phép, hiện chỉ còn tp.HCM mới điều chỉnh đến mức 65% của khung giá. Thành phố dự kiến sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế thêm 15% lên mức 75% khung giá từ 1/6/2015.
Học phí đại học sẽ tăng trong năm 2015, tuy nhiên do nhiều bậc học khác đã hoàn thành điều chỉnh giá nên tỷ trọng tăng giá sẽ không còn nhiều và tác động lên CPI là không đáng kể.
Giá điện khả năng cao sẽ được điều chỉnh trong năm 2015. Nhưng mức tăng có thể khoảng 7-10%, bởi cần cân nhắc lợi ích các doanh nghiệp khi tình hình SXKD vẫn nhiều khó khăn, do đó tác động làm CPI tăng thêm khoảng 0.4-0.5%.
Mặc dù vậy, những rủi ro tăng giá do Nhà nước quản lý nếu xảy ra cũng khó trở thành nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng lãi suất, và khả năng mặt bằng lãi suất hiện nay sẽ tiếp tục duy trì trong suốt 2015. Việc điều chỉnh tăng lãi suất phụ thuộc nhiều vào tình hình thực tế của sức tiêu dùng, khả năng kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, chưa kể các yếu tố thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.
BẢNG DỮ LIỆU VĨ MÔ VÀ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
LỊCH CÔNG BỐ CÁC CHỈ SỐ KINH TẾ
MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo này (“Báo cáo”) do Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) soạn thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Khách hàng của Techcombank. Khách hàng có thể sao chép hoặc trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hay toàn bộ Báo cáo này với điều kiện việc sao chép, trích dẫn phải giữ đúng bản quyền và ghi chú rõ ràng về bản quyền của Techcombank.
Báo cáo này được xây dựng dựa trên các ý kiến chuyên nghiệp được đưa ra một cách cẩn trọng, độc lập và căn cứ vào các nguồn thông tin được cho là đáng tin cậy vào ngày ban hành Báo cáo này. Tuy nhiên, mọi nhận định trong Báo cáo này đều là ý kiến riêng của tác giả. Techcombank không cam kết và bảo đảm về sự chính xác, kịp thời, hoàn chỉnh và ổn định của các thông tin trong báo cáo dưới bất kỳ tình huống nào. Techcombank không có nghĩa vụ phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin sau khi báo cáo được phát hành.
Báo cáo này không phải là và không được coi là hoạt động tư vấn hoặc là các khuyến nghị hoặc ý kiến tư vấn đầu tư, tài chính, tư vấn mua, bán bất kỳ sản phẩm nào hoặc tư vấn cho bất cứ hoạt động kinh doanh nào và không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào, bao gồm cả Techcombank và/hoặc các chi nhánh và công ty con của Techcombank. Khách hàng được khuyến cáo nên coi những thông tin được cung cấp trong báo cáo như là một nguồn thông tin tham khảo và Khách hàng nên sử dụng dịch vụ tư vấn, luật sư chuyên nghiệp khi đưa ra các quyết định kinh doanh, đầu tư của mình. Techcombank, tác giả báo cáo, lãnh đạo và/hoặc nhân viên của Techcombank sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào liên quan đến báo cáo này trong bất kỳ tình huống nào.
Nếu khách hàng có bất kỳ bình luận, câu hỏi hoặc mối quan tâm đặc biệt nào về các thông tin đề cập trong báo cáo xin liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ sau:
Phòng phân tích Kinh tế và Thị trường
Khối nguồn vốn và thị trường tài chính – Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam
Tầng 18, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email:
KNV-PhongPhantichKinhtevaThiTruong@techcombank.com.vn