• Kinh tế Mỹ phục hồi làm đồng USD tăng giá cũng như kỳ vọng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Fed funds rate sẽ được sớm tăng lên
  • Lãi suất USD trong nước có thể chịu tác động tăng lên từ giữa năm sau, do lãi suất của Fed có thể tăng thêm so với hiện tại khoảng 0.75% tính đến cuối năm 2015
  • Do kỳ vọng kinh tế Mỹ mạnh lên và lãi suất đồng USD sẽ tăng lên trong năm sau, nhiều đồng tiền đã và sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá ở mức độ nhất định, kể cả đồng Việt Nam.
  • Mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia khác. Tuy nhiên nếu các hạng mục cán cân thanh toán tiếp tục diễn biến tốt như hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa, và tỷ giá USD/VND sẽ hoàn toàn có khả năng tiếp tục chỉ biến động trong giới hạn  mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.
 


Kinh tế Mỹ phục hồi làm đồng USD tăng giá cũng như kỳ vọng lãi suất Fed funds rate sẽ được sớm tăng lên

Thị trường việc làm và lĩnh vực sản xuất của Mỹ tiếp tục trên đà phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp nước này hiện ở mức 5.9%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Chỉ số PMI tháng 9 đạt 57.5, khẳng định nhu cầu mở rộng sản xuất tiếp tục gia tăng.

Điều này làm đồng USD thời gian gần đây mạnh lên cũng như kỳ vọng lãi suất Fed Funds rate sẽ được sớm tăng lên. Trong quá khứ, vùng tỷ lệ thất nghiệp mà Fed mong muốn là quanh mức 5.5%.

 


Lãi suất USD trong nước sẽ chịu tác động tăng khi Fed tăng lãi suất Fed funds rate

Các loại lãi suất liên quan đến đồng USD như Libor, lợi suất TPCP Mỹ đã bắt đầu tăng lên từ giữa năm nay. Lãi suất điều hành của Fed được thị trường quốc tế kỳ vọng sẽ điều chỉnh tăng vào Quý 2 năm 2015. Chúng tôi cho rằng lãi suất USD trong nước có thể chịu tác động tăng lên từ giữa năm sau, với mức tác động khoảng 0.75% tính đến cuối năm 2015.

 


Do kỳ vọng kinh tế Mỹ mạnh lên và lãi suất đồng USD sẽ tăng lên trong năm sau, nhiều đồng tiền đã và sẽ tiếp tục chịu tác động giảm giá, trong đó có đồng Việt Nam

Đồng USD nhìn chung có xu hướng tăng giá kể từ giữa năm 2014, đặc biệt so với các đồng tiền các nước mới nổi khi mà thời điểm nâng lãi suất của Fed đang ngày càng đến gần và các dấu hiệu kinh tế Mỹ phục hồi ngày càng rõ rệt. Nhiều tổ chức dự báo nhiều đồng tiền bao gồm cả các đồng tiền trong khu vực với Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động giảm giá so với đồng bạc xanh trong năm 2015.
VND cũng nằm trong xu hướng trên. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD nếu thu hẹp hơn thì cũng có tác động đến tỷ giá USD/VND.
 

 


Đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc Fed nâng lãi suất lên tỷ giá trong tương quan với nhiều đồng tiền khác

Chúng tôi cho rằng các yếu tố sẽ góp phần củng cố giá trị một đồng tiền là mức chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát (lãi suất thực), các thành phần trong cán cân thanh toán tổng thể như là cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân vốn, và dự trữ ngoại hối.

Xem xét và so sánh các yếu tố kể trên của Việt Nam với một số nước khác có đồng tiền tự do thả nổi để đánh giá mức phù hợp của đồng Việt Nam hiện nay.

So với đồng USD, VND giảm 0.6% giá trị trong 9 tháng đầu năm, đây là mức độ tương đối thấp so với nhiều đồng tiền khác. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn khiêm tốn ở mức hơn 3 tháng nhập khẩu, tuy nhiên nhiều yếu tố quan trọng khác để định giá đồng Việt Nam đã được cải thiện và tốt hơn nhiều nước được so sánh. Lãi suât đồng VND được duy trì ở mức thực dương; thặng dư thương mại chiếm hơn 3% so với tổng xuất khẩu và cao hơn nhiều nước được so sánh; Tỷ lệ thặng dư cán cân vãng lai và thực hiện vốn FDI trên GDP lớn thứ 2 so với các nước được so sánh.

Dự trữ ngoại hối của Việt nam dù hiện cao hơn nhiều so với trước đây, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn khi so sánh với các quốc gia khác. Tuy nhiên nếu các hạng mục cán cân thanh toán tiếp tục diễn biến tốt trong thời gian tới, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cải thiện hơn và tỷ giá USD/VND sẽ hoàn toàn có khả năng tiếp tục chỉ biến động trong giới hạn mà NHNN công bố.
 

 
 
 




MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo này (“Báo cáo”) do Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) soạn thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Khách hàng của Techcombank. Khách hàng có thể sao chép hoặc trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hay toàn bộ Báo cáo này với điều kiện việc sao chép, trích dẫn phải giữ đúng bản quyền và ghi chú rõ ràng về bản quyền của Techcombank.
Báo cáo này được xây dựng dựa trên các ý kiến chuyên nghiệp được đưa ra một cách cẩn trọng, độc lập và căn cứ vào các nguồn thông tin được cho là đáng tin cậy vào ngày ban hành Báo cáo này. Tuy nhiên, mọi nhận định trong Báo cáo này đều là ý kiến riêng của tác giả. Techcombank không cam kết và bảo đảm về sự chính xác, kịp thời, hoàn chỉnh và ổn định của các thông tin trong báo cáo dưới bất kỳ tình huống nào. Techcombank không có nghĩa vụ phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin sau khi báo cáo được phát hành.
Báo cáo này không phải là và không được coi là hoạt động tư vấn hoặc là các khuyến nghị hoặc ý kiến tư vấn đầu tư, tài chính, tư vấn mua, bán bất kỳ sản phẩm nào hoặc tư vấn cho bất cứ hoạt động kinh doanh nào và không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào, bao gồm cả Techcombank và/hoặc các chi nhánh và công ty con của Techcombank. Khách hàng được khuyến cáo nên coi những thông tin được cung cấp trong báo cáo như là một nguồn thông tin tham khảo và Khách hàng nên sử dụng dịch vụ tư vấn, luật sư chuyên nghiệp khi đưa ra các quyết định kinh doanh, đầu tư của mình. Techcombank, tác giả báo cáo, lãnh đạo và/hoặc nhân viên của Techcombank sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào liên quan đến báo cáo này trong bất kỳ tình huống nào.
Nếu khách hàng có bất kỳ bình luận, câu hỏi hoặc mối quan tâm đặc biệt nào về các thông tin đề cập trong báo cáo xin liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ sau:
Phòng phân tích Kinh tế và Thị trường    
Khối nguồn vốn và thị trường tài chính – Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam
Tầng 18, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: KNV-PhongPhantichKinhtevaThiTruong@techcombank.com.vn