- Số liệu GDP tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ, cán cân thương mại nhập siêu lớn, CPI có dấu hiệu tăng trở lại, tín dụng bước đầu cho thấy khả quan hơn cùng kỳ. Tuy nhiên phân tích kỹ hơn, chúng tôi thấy, sản xuất tăng khá có đóng góp chủ yếu của khu vực FDI nhằm phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng cũng như nền kinh tế trong nước vẫn ở giai đoạn phục hồi.
- GDP tăng 6.05% trong quý I, cao hơn nhiều mức tăng 5.06% cùng kỳ năm ngoái do Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi, trong khi đó nông nghiệp và dịch vụ giảm đà tăng so với năm ngoái.
- CPI lõi tăng 0.42% trong quý 1/2015, thấp hơn mức tăng 0.64% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tiêu dùng vẫn ảm đạm mặc dù giá dầu giảm mạnh.
- Nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 9.5%, ổn định so với mức tăng 10.5% của năm ngoái, trong khi xuất khẩu thu hẹp hơn 8% do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp trong nước.
- Đánh giá một số ngành như du lịch đối với khách nội địa, tiêu thụ ô tô và mua sắm đồ dùng gia đình cho thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi trả cho những hàng hóa dịch vụ ít thiết yếu và có phần xa xỉ nhằm nâng cấp chất lượng cuộc sống, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi mạnh của tổng thể cầu tiêu dùng trong nước.
GDP tăng 6.05% trong quý I, cao hơn nhiều mức tăng 5.06% cùng kỳ năm ngoái do Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi, trong khi đó nông nghiệp và dịch vụ giảm đà tăng so với năm ngoái.
Đóng góp chủ yếu cho mức tăng mạnh bất ngờ của GDP quý I/2015 là Công nghiệp, mà cụ thể là lĩnh vực chế biến chế tạo với tỷ trọng gần 15% và tăng 9.5%. Đóng góp của khu vực FDI là đáng kể với những mặt hàng giá trị lớn và có tăng trưởng dẫn đầu, bao gồm sản xuất điện thoại di động (tăng hơn 3 lần), sản xuất ô tô (tăng 53%), sản xuất tivi (tăng 39%).
Trong lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp, cả Nông nghiệp và Thủy sản đều giảm đà tăng so với năm ngoái, mặc dù đây là những ngành nghề nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước.
Hầu hết các ngành dịch vụ cũng giảm đà tăng so với cùng kỳ, ngoại trừ bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản có tăng nhanh hơn nhưng không đáng kể.
CPI lõi tăng 0.42% trong quý 1/2015, thấp hơn mức tăng 0.64% của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tiêu dùng vẫn ảm đạm mặc dù giá dầu giảm mạnh.
Chỉ số CPI tháng 3 năm nay tăng 0.15%, trong khi tháng 2 (tháng có dịp Tết) lại giảm 0.05%. Nguyên nhân do nhóm giao thông giảm 4.4% trong tháng 2 so với mức giảm 0.3% trong tháng 3. Loại yếu tố xăng dầu, CPI tháng 3 tăng 0.19% thấp hơn mức tăng 0.37% trong tháng 2. CPI thường tăng mạnh trong tháng 2 và giảm xuống trong tháng 3. Tuy nhiên, năm nay yếu tố thời vụ này không rõ ràng, một phần áp lực tăng giá do Tết chuyển sang tháng 3 khi mà Tết 2015 đến muộn và nằm trong kỳ lấy giá tháng 3 của Tổng cục Thống kê.
CPI lõi (sau khi loại LTTP, Năng lượng và giá các mặt hàng do NN quản lý) tăng 0.42% trong quý 1/2015, thấp hơn mức tăng 0.64% của cùng kỳ năm ngoái. CPI tiếp tục tăng ổn định ở mức thấp, cho thấy tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mặc dù giá dầu giảm mạnh.
CPI tháng 4 chúng tôi dự báo sẽ tăng ở mức 0.4% do điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (trung bình 10%) và giá điện (trung bình 7.5%), tuy nhiên tác động này chỉ là nhất thời và có ảnh hưởng gián tiếp không lớn lên mặt bằng giá cả.
Nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng ổn định ở mức 9.5%, còn xuất khẩu thu hẹp hơn 8% do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh.
Cán cân Thương mại tính từ đầu năm đến ngày 15/3 năm nay thâm hụt hơn 1.6 tỷ USD, kém hơn nhiều so với mức thặng dư gần 1.1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do khu vực ngoài FDI tăng thâm hụt thêm 1.8 tỷ USD và khu vực FDI có thặng dự giảm gần 900 triệu USD.
Thâm hụt của khu vực ngoài FDI tăng mạnh là do xuất khẩu của khu vực này giảm mạnh (-8.1% tương đương 800 triệu USD). Nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 9.5%, ổn định so với mức tăng 10.5% của năm ngoái, cho thấy không có dấu hiệu nhập khẩu tăng nóng. Xuất khẩu trong nước giảm là kết quả của giá hàng hóa nguyên liệu thô (commodity) liên tục neo ở mức thấp trong suốt quý 1. Các mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ năm ngoái là Than đá (-74%), Cà phê (-32%), Gạo (-32%), dầu thô (-31%), sắn (-12%), thủy sản (-17%), cao su (-6%). Xuất khẩu thu hẹp về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp trong nước.
Khu vực FDI duy trì đà xuất khẩu xấp xỉ với năm ngoái (18.4%), nhưng nhập khẩu tăng mạnh hơn ở mức 26.5%. Nhập khẩu của khu vực này tăng thêm chủ yếu ở các mặt hàng điện tử, máy móc, thiết bị, điện thoại và linh kiện, sản phẩm sắt thép và vải các loại, để làm đầu vào sản xuất tại Việt Nam.
Giá commodity giảm thấp giúp tổng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm các mặt hàng này giảm bớt 387 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng khiến tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này giảm gần 1.1 tỷ USD. Xuất khẩu ròng commodity từ đầu năm giảm 700 triệu USD so với cùng kỳ. Rõ ràng cán cân thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục xấu đi nếu giá commodity không thể phục hồi ở mức thấp hiện nay.
Đánh giá cầu tiêu dùng thông qua một số ngành cụ thể
Ngoài các số liệu thống kê vĩ mô, chúng tôi tiến hành xem xét tăng trưởng một số ngành kinh tế cụ thể để đánh giá toàn diện hơn về sức tiêu dùng của người dân. Đánh giá một số ngành như du lịch đối với khách nội địa, tiêu thụ ô tô và mua sắm đồ dùng gia đình cho thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi trả cho những hàng hóa dịch vụ ít thiết yếu và có phần xa xỉ nhằm nâng cấp chất lượng cuộc sống.Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về sự phục hồi mạnh của tổng thể cầu tiêu dùngtrong nước.
- Lượt khách du lịch nội địa
Nếu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam giảm 10 tháng liên tiếp so với cùng kỳ do sự sụt giảm lượng khách đến từ các thị trường Trung Quốc (lo ngại vấn đề Biển Đông), thị trường Nga (đồng Rúp mất giá mạnh) và nhiều thị trường khác khi đồng VND mạnh lên tương đối, thì theo Tổng cục du lịch, lượng khách nội địa lại tăng khá đột biến, 10% trong năm 2014, cao hơn mức 7.7% của năm trước, đạt con số 38,5 triệu lượt.
Doanh thu từ du lịch tăng 15% cao hơn số lượt khách tăng, chứng tỏ chi tiêu trung bình cho các chuyến du lịch cũng tăng lên. Điều này cho thấy người dân sẵn sàng chi tiêu cho các hàng hóa xếp sau nhóm tiêu dùng thiết yếu.
Tiêu thụ ô tô dưới 9 chỗ ngồi năm 2014 tăng thêm gần 19 nghìn chiếc so với năm trước, lớn hơn mức tăng 15 nghìn chiếc của năm 2013. Thị trường ô tô vẫn đang tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2015, với doanh số tăng thêm gấp rưỡi trong tháng 1 và gấp đôi trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó cho thấy người dân vẫn sẵn sàng chi tiêu các hàng hóa lâu bền nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống. Lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp cũng góp phần đẩy mạnh doanh số bán hàng của mặt hàng này.
- Thiết bị và nội thất gia đình
Tốc độ tăng trưởng của thị trường này ở mức khoảng 5% trong các tháng cuối 2014 và đầu năm nay. Dù đây là tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn, nhưng cao hơn so với các tháng trước đó.
Khảo sát niềm tin Người tiêu dùng (NTD) Việt Nam của ANZ trong tháng 3 cũng giảm nhẹ do tỷ lệ NTD đánh giá “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình suy giảm. ANZ nhận định điểm khảo sát này cho thấy sức tiêu dùng sẽ không vững chắc ngay lập tức mặc dù thu nhập khả dụng cải thiện do giá dầu giảm.
Nhưng nhìn chung xu hướng niềm tin tiêu dùng vẫn đang cải thiện, chỉ số này trung bình 3 tháng đầu năm 2015 đạt mức 140, cao hơn mức trung bình 134.5 điểm của năm 2014. Báo cáo chỉ ra 36% NTD cho rằng tài chính gia đình họ hiện “tốt hơn” năm trước, và 19% cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn”.
Còn theo khảo sát gần nhất của Nelson, niềm tin của NTD Việt Nam tiếp tục cải thiện mạnh trong quý 4/2014. Tuy nhiên, Nielsen cũng nhận định từ khảo sát của họ rằng NTD Việt Nam là những người tiết kiệm nhất thế giới. Tỷ lệ người được hỏi có xu hướng tiết kiệm đạt 77% so với tỷ lệ toàn cầu là 48%, và cao hơn nước đứng thứ 2 trong Đông Nam Á là Indonesia (70%).
BẢNG DỮ LIỆU VĨ MÔ VÀ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
LỊCH CÔNG BỐ CÁC CHỈ SỐ KINH TẾ THÁNG 4
MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM
Báo cáo này (“Báo cáo”) do Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank”) soạn thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Khách hàng của Techcombank. Khách hàng có thể sao chép hoặc trích dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hay toàn bộ Báo cáo này với điều kiện việc sao chép, trích dẫn phải giữ đúng bản quyền và ghi chú rõ ràng về bản quyền của Techcombank.
Báo cáo này được xây dựng dựa trên các ý kiến chuyên nghiệp được đưa ra một cách cẩn trọng, độc lập và căn cứ vào các nguồn thông tin được cho là đáng tin cậy vào ngày ban hành Báo cáo này. Tuy nhiên, mọi nhận định trong Báo cáo này đều là ý kiến riêng của tác giả. Techcombank không cam kết và bảo đảm về sự chính xác, kịp thời, hoàn chỉnh và ổn định của các thông tin trong báo cáo dưới bất kỳ tình huống nào. Techcombank không có nghĩa vụ phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung thông tin sau khi báo cáo được phát hành.
Báo cáo này không phải là và không được coi là hoạt động tư vấn hoặc là các khuyến nghị hoặc ý kiến tư vấn đầu tư, tài chính, tư vấn mua, bán bất kỳ sản phẩm nào hoặc tư vấn cho bất cứ hoạt động kinh doanh nào và không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào, bao gồm cả Techcombank và/hoặc các chi nhánh và công ty con của Techcombank. Khách hàng được khuyến cáo nên coi những thông tin được cung cấp trong báo cáo như là một nguồn thông tin tham khảo và Khách hàng nên sử dụng dịch vụ tư vấn, luật sư chuyên nghiệp khi đưa ra các quyết định kinh doanh, đầu tư của mình. Techcombank, tác giả báo cáo, lãnh đạo và/hoặc nhân viên của Techcombank sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào liên quan đến báo cáo này trong bất kỳ tình huống nào.
Nếu khách hàng có bất kỳ bình luận, câu hỏi hoặc mối quan tâm đặc biệt nào về các thông tin đề cập trong báo cáo xin liên hệ với chúng tôi theo thông tin liên hệ sau:
Phòng phân tích Kinh tế và Thị trường
Khối nguồn vốn và thị trường tài chính – Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam
Tầng 18, 191 Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Email: KNV-PhongPhantichKinhtevaThiTruong@techcombank.com.vn