Bỏ tiền nhàn rỗi vào đâu để tạo lợi nhuận luôn là mối quan tâm lớn đối với nhà đầu tư. Do một số đặc thù riêng, trước nay, các kênh gửi tiết kiệm hay ngoại tệ (chủ yếu là USD) luôn là những kênh đầu tư hấp dẫn, bên cạnh các kênh truyền thống là vàng, bất động sản và chứng khoán. Tuy nhiên, suy giảm kinh tế và những chính sách điều tiết vĩ mô khiến hiện nay, chọn kênh tạo lợi nhuận cho tiền nhàn rỗi trở thành một câu hỏi khó.

Trái với mong muốn của những người nắm giữ tiền, và do nhiều yếu tố tác động, từ đầu năm 2014 đến nay, các kênh đầu tư tiền nhàn rỗi đã có sự  thay đổi và phân hóa rõ rệt. Trong đó, thấy rõ nhất là người đầu tư không thể mong muốn đem lại lợi nhuận thật cao trong một thời gian ngắn như trước đây nữa.

Thiếu kênh tạo tiền hấp dẫn

Cuối tháng 8-2014, tiếp nối nhiều đợt giảm lãi suất huy động từ năm 2013 đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy lãi huy động vốn xuống thêm 0,1-0,5% so với trước đó. Hiện tại, lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng chỉ còn 5,6-6%/ năm, cá biệt, có một ngân hàng trong nhóm quy mô lớn hạ lãi huy động kỳ hạn trên xuống chỉ còn 4,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn khác, bao gồm cả những kỳ hạn dài cũng chỉ từ 6 – 7%/ năm, hiếm có ngân hàng nào áp dụng trên 7%. Mặc dù so với mức lạm phát hiện tại (CPI 8 tháng đầu năm tăng 4,73%), lãi suất huy động có vẻ vẫn thực dương, song muốn có lời từ 1 – 2%, nhà đầu tư phải gửi tiền với kỳ hạn từ 1 năm trở lên và điều này khiến kênh tiết kiệm trở nên thiếu hấp dẫn.

Tương tự, tỷ giá USD được Ngân hàng nhà nước giữ ổn định suốt một thời gian dài, nhưng chưa bao giờ vượt quá 21.500 VNĐ/USD trong 2 năm nay, do đó, chọn kênh USD để sinh lời không còn là điều mà nhà đầu tư quan tâm nữa. Điều này cũng diễn ra tương tự với vàng. Sau dịp nghỉ lễ 2 – 9, giá vàng tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 36,35 triệu đồng/lượng. Mặc dù nhìn nhận trong 1 hơn 1 năm qua, giá vàng vẫn tăng, song bởi là kênh đều tư rủi ro lớn nên mức tăng của mặt hàng đặc biệt này được cho là không hấp dẫn lắm với nhà đầu tư.

Bất động sản về cuối năm có vẻ sôi động hơn với nhiều dự án chào bán tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các vùng khác như Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai hay những nơi có du lịch phát triển cũng đều đặn chào bán các dự án. Tuy nhiên, thị trường này cũng không được đánh giá quá cao do vẫn còn nhiều khó khăn kéo dài từ mấy năm nay.

Chứng khoán sẽ hút vốn?

2014 là năm thi trường chứng khoán được đánh giá là “chưa bao giờ tốt hơn” kể từ năm 2009. Đầu tháng 9, chỉ số VN-index dao động 635-640 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 3-2008. Mới đây nhất, hãng tin Bloomberg đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh vào loại nhất trong khu vực. Theo Ủy ban chứng khoán nhà nước, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đã rót 263 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Dự báo lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng được cho là sẽ ở mức 13%, cao hơn nhiều so với dự đoán dành cho các nước trong khu vực.

Lãnh đạo Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn trong bài phỏng vấn mới đây dưa ra nhận định, kết thúc năm 2014, chỉ số VN-index có thể tăng từ 17-20% so với năm 2013, mức tăng được cho là rất hấp dẫn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang èo uột. Nguyên nhân khiến các chuyên gia đưa ra những dự báo khá lạc quan cho thị trường chứng khoán cuối năm 2014 ở chỗ, Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải thiện vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Mặc dù không có những đột phá lớn, song theo báo cáo mới nhất của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tình hình xuất khẩu, đầu tư kinh doanh… của khối doanh nghiệp cũng đang tốt dần lên, đặc biệt ở khối doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, một số chính sách nới lỏng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực kinh doanh cũng được cho là sẽ tạo đà cho nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán.

Thực tế, thị trường đang diễn ra sự phân loại lớn trong đầu tư tiền nhàn rỗi, trong các kênh hiện tại, chứng khoán vẫn là nơi được đặt nhiều hy vọng nhất, không chỉ trong năm 2014, bởi các kênh nói trên theo nhiều dự đoán sẽ khó tốt lên trong một khoảng thời gian ngắn